Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Giải mã bài thơ Huyền thoại người lái đò



THỬ GIẢI MÃ LẠI BÀI THƠ "HUYỀN THOẠI NGƯỜI LÁI ĐÒ" ĐỂ CẢM NHẬN NHỮNG NỖI ĐAU CỦA NHÀ GIÁO

Bài thơ “Huyền thoại người lái đò” của nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn tuy đã có nhiều người bình, nhưng theo ý riêng của tôi, vẫn còn một vài ý quan trọng mà những người bình thơ trước vẫn chưa diễn đạt được hết. Những ý quan trọng này mới là thông điệp chính mà nhà thơ đã có ẩn ý gởi gắm lại cho người đọc với những tâm sự không thể nói thành lời. Chúng ta cần phải giải mã để khám phá lại bài thơ...





1. Vì sao người thầy về hưu lại phải ra đi tìm lửa?

Đó là do yêu cầu của sự tiến hóa của xã hội. Xã hội càng văn minh hiện đại bao nhiêu thì tâm lý con người, tâm lý của những cô cậu học sinh mới lớn càng thêm phức tạp bấy nhiêu. Các em dậy thì sớm, yêu sớm, “quan hệ sớm”, vào đời sớm, hưởng thụ sớm và nhất là đòi hỏi phải có sự công bằng sớm. Nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn đã nói lên điều này qua những câu thơ thật nhẹ nhàng nhưng cũng thật âm ỉ với những nỗi đau ngấm ngầm:

“Dòng sông chữ bây giờ không còn hiền hòa
Cứ chập chờn sóng dữ.”

Đừng coi thường học sinh! Đừng nghĩ rằng giáo dục là một sự nghiệp dễ dàng! Đó chính là ẩn ý đầu tiên mà nhà thơ muốn nói. Tiếc thay nhiều bậc phụ huynh học sinh, nhiều vị có chức sắc trong ngành giáo dục lại không quan tâm đến điều đó. Gần đây nhất trên báo mạng, đã có một vị “quan giáo dục” đã viết “giáo viên không nên đặt nặng tiền thưởng tết vì nghề giáo là một công việc nhẹ nhàng!”. Than ôi! Nghĩ “nhẹ nhàng” như thế trách sao nền giáo dục của ta mấy chục năm nay cứ trì trệ hoài cũng phải!

Ông tổ của các nhà giáo là cụ Chu Văn An cũng từng đã có học sinh “cá biệt” đó là vua Trần Dụ Tông. Mặc dù cụ Chu Văn An đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết, lại thêm được sự ủng hộ và kính trọng của vị “phụ huynh đáng nể” là Thái thượng hoàng Trần Minh Tông, nhưng cậu học sinh “cá biệt” này vẫn ham chơi, không lo học hành, bỏ bê cả công việc triều chính. Cụ chán nản đến độ phải từ quan sau khi đã khẳng khái viết và dâng lên cho cậu học trò “cá biệt” ngự lãm Thất trảm sớ (sớ xin chém bảy tên gian thần đang làm tổn hại nguyên khí quốc gia). Vua Trần Dụ Tông vẫn ham chơi nên cương quyết không nghe. Cụ thất vọng đành chống gậy về quê để “về hưu sớm”!



Cụ Chu Văn An đức cao vọng trọng như thế mà còn phải chào thua tên học trò ương bướng, thử hỏi các nhà giáo hiện nay còn phải gặp những khó khăn như thế nào nữa khi gặp phải những tên học trò là những “ông trời con”?

Xin đừng “khoe” các phương pháp giáo dục mới là hiện đại, là cấp tiến. Đừng đem các bằng cấp, các công trình nghiên cứu ra để “lòe nhau”, và cũng đừng dựa vào đó để “hò hét” ra lệnh cho các giáo viên là những người đang phải trực tiếp lao nhọc trồng người.

“Các quan chức giáo dục đứng trên gò cao
Thét gào
Hô hào
Hò hét
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng tiết học!
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng bài giảng!”

Các vị hãy nghiên cứu thật nghiêm túc đi, đừng quan liêu nữa. Hãy xắn tay áo lên mà cùng làm. Hãy cùng dạy với các giáo viên. Hãy cùng học với các học sinh. Nghiên cứu sao cho thật kỹ càng, không nóng vội, không mắc bệnh thành tích để tìm ra hướng đi thích hợp nhất cho các phương pháp giáo dục. Làm sao cũng được miễn là thành công. Đừng hao phí hàng chục ngàn tỷ đồng cho các chương trình vô ích (nghe nói để cải cách sách giáo khoa sắp tới phải cần đến một số tiền khổng lồ là bảy mươi ngàn tỷ đồng) để rồi mèo lại hoàn mèo!  Xin được nhắc lại hai câu thơ ở khổ đầu của bài thơ một lần nữa:

“Dòng sông chữ bây giờ không còn hiền hòa
Cứ chập chờn sóng dữ.”



2. Vì sao người thầy lại phải vò đầu từng đêm thức trắng?

Đó chính là do sự nhân đạo chưa cần thiết của luật pháp. Đó chính là do sự lúng túng của những cách giải quyết thiếu thuyết phục, còn đầy nóng vội của ngành giáo dục. Đó chính là sự dối trá vì những căn bệnh cứ thích phô trương thành tích. Những điều này đã làm khổ những nhà giáo chân chính.

“Lấp ló quanh trường
Hết bão đen rồi lại nước mắt
Lũ sát thủ tuổi teen
Những băng cướp áo trắng
Clip sex học trò
Bạo lực học đường...
Ngày ngày vây quanh
Ngày ngày gầm gừ
Ngày ngày rình rập”

Đọc các câu thơ trên chúng ta có cảm giác như muốn nghẹt thở. Trường học bây giờ không còn an toàn nữa. Nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn đã phóng đại câu thơ lên chăng? Không, vụ án “sát thủ tuổi teen” Lê Văn Luyện vẫn còn đó. Tên sát thủ nhí đã giết chết ba mạng người một cách thật tàn độc nhưng đã không bị án tử hình vì theo luật pháp hắn vẫn chưa đến mười tám tuổi. Kết quả của sự “nhân đạo” mà tòa án đã giúp cho Lê Văn Luyện sống sót đó là gì? Là thêm hàng chục “sát thủ tuổi teen”, hàng chục “băng cướp áo trắng” khác xuất hiện. Chúng cướp của, cưỡng hiếp, giết người một cách thật tàn nhẫn không kém gì Lê Văn Luyện. Đã vậy càng kinh hoàng hơn khi một tên mới mười bảy tuổi, sau khi bị bắt vì tội danh hãm hiếp một nữ sinh rồi bóp cổ và đem vùi xác chết còn lõa thể xuống tận sông sâu để phi tang, đã nói với công an: “Cháu có họ với anh Luyện nên cháu phải hành động giống anh Luyện!” (Vụ án sát thủ Lê Tuấn Anh ở Thanh Hóa năm 2012).

Pháp luật đã lúng túng khi xử lý, nhà trường còn lúng túng hơn. Mới đây một học sinh nữ cá biệt mới học lớp tám ở Quảng Nam đã dám lên Facebook chửi các thầy cô. Kết quả là học sinh này bị nhà trường đuổi học một năm. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã can thiệp, bắt buộc nhà trường phải cho em học sinh nữ được đi học lại. Nhiều người đã phê phán nhà trường rất nhiều vì hành động đã đuổi học một học sinh dù tội đó là tội vô lễ. Kết quả là các thầy cô trong trường đã phải dẹp bỏ lòng tự trọng của mình để dạy dỗ một đứa học trò bất trị đã từng rêu rao chửi bới mình. Lòng tự trọng của các giáo viên đã bị coi rẻ, các quan chức giáo dục đã ép và biến họ từ những người dạy học thành những người phải “đui, điếc, câm” để dạy học. Các thầy cô cứ dạy học đi dù có bị ai chửi bới, dù có bị ai khiêu khích cũng phải “nhịn nhục” mà dạy học, dù loại người đó đã từng mắng chửi hạ nhục các thầy cô! Từ bi như đạo Phật mà cũng phải có hình phạt ở địa ngục là cho quỷ sứ dùng bàn tay sắt vả vào miệng những kẻ khi còn sống thường chửi bới những người lớn tuổi. Thế còn các thầy cô? Các thầy cô sẽ “dám” làm gì đây với những đứa học trò vô lễ của mình?



Mỗi người mỗi ý. Nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn cũng đã gởi gắm nỗi đau của mình qua những câu thơ ẩn chứa thật nhiều tâm sự:

“Con đò ngang rệu rã
Cùng bao lớp học trò đã lũ lượt qua sông
Có những ánh mắt thân thương
Cũng có những giọng cười bất nghĩa”

Người xưa có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cụ Chu Văn An, ông tổ của các nhà giáo, cũng đã từng nghiêm khắc đuổi cổ nhiều học trò vô lễ và cấm cửa họ không được bước đến nhà thầy. Nếu theo quan niệm ngày nay đuổi học sinh vô lễ là phản giáo dục thì hành động của cụ Chu Văn An ngày xưa không biết có thể bị đánh giá là phản giáo dục hay không?

Nỗi đau của nhà giáo càng đến cực điểm khi căn bệnh thành tích, điển hình là vụ gian lận thi cử có tổ chức ở trường Đồi Ngô tỉnh Bắc Giang, đã khiến các nhà giáo càng thêm mất lòng tin, học trò càng thêm mất phương hướng. Người thầy lúc này cũng chẳng biết mình đang dạy cho học trò cái gì? Dạy hay đánh đồng lòng trung thực với sự dối trá? Các câu thơ bỗng trở nên đau đớn, đau đến độ cười và khóc lẫn lộn một cách bi hài:

“Các bài giảng đạo đức bỗng rụt đầu xấu hổ
Các con số đậu 100% cứ lăn lộn mãi vì cười”.

Hãy thông cảm với các giáo viên, đừng biến họ thành những người vô cảm, đừng biến họ thành các rôbốt dạy học. Hãy tôn trọng lòng tự trọng của người giáo viên. Theo tôi đó chính là thông điệp thứ hai của bài thơ.





3. Vì sao người thầy lại phải ra đi tìm lửa?

“Học trò về thăm bến sông xưa
Con đò ngang vắng bóng...
Có em nói thầy đã đi tìm lửa phương xa
Có em đoán thuyền thầy đang ra khơi vượt biển lớn
Có em vớt được những mảnh vỡ của thuyền
Khóc...”

Người thầy phải tự ra đi tìm lửa là đúng vì người thầy biết rất rõ loại lửa mình sẽ đi tìm là loại lửa gì. Trước kia cũng đã có rất nhiều người từng vỗ ngực khoe khoang sẽ đi tìm lửa. Nhưng vì những lợi ích cá nhân mà vô tình hoặc cố ý họ chỉ đem về những loại lửa vô ích, không cần thiết có khi còn phản cả tác dụng. Cũng thật trớ trêu và cũng thật bi hài khi đi tìm những loại lửa “tào lao” trên thì người đi tìm lửa được cấp kinh phí thật nhiều, thật thừa mứa. Còn khi người thầy cần đi tìm ngọn lửa chân lý thật cần thiết cho các học sinh của mình thì phải tự túc tự lực. Với một “con đò ngang rệu rã” thì sự ra đi chắc chắn sẽ dữ nhiều lành ít.

Thiếu nữ ngồi áo dài trắng

Theo tôi bài thơ “Huyền thoại người lái đò” hay nhất chính là sáu câu thơ ở khổ thơ cuối cùng. Hiểu người thầy chỉ có các học trò của người thầy thôi. Khi thấy “con đò ngang vắng bóng”, người học trò cũ đầu tiên khi về thăm thầy đã nói ngay “thầy đã đi tìm lửa phương xa”! Chỉ có thấu hiểu những hoài bão mà người thầy vẫn ngày thường ấp ủ, người học trò mới có thể nói một câu chính xác đến thế! Người học trò thứ hai “đoán” nhưng trong câu đoán “thuyền thầy đang vượt biển lớn” có kèm theo sự cầu mong may mắn. Từ “vượt” của người học trò thứ hai vừa cho thấy hình ảnh của một con đò ngang dũng cảm dám đè lên sóng biển để vươn lên, vừa hy vọng người thầy sẽ thành công khi một mình đơn độc dám ra đi “lấp biển vá trời”! Chỉ có người học trò thứ ba, có lẽ là một cô gái, đã linh cảm có chuyện chẳng lành. Cô đã đi tìm và “vớt được những mảnh vỡ của thuyền” từ biển cả trôi về. Nhịp điệu câu thơ như ngừng lại, không gian và thời gian trong bài thơ như dừng hẳn. Không còn nghi ngờ gì nữa người thầy đã ra đi mãi mãi không về! Thầy đã trở thành huyền thoại trong trái tim của những người học trò thân yêu của mình. Từ “khóc” cuối cùng chấm dứt bài thơ là một từ thật đắc địa. Nó chìm lắng và trải rộng làm xao động hồn người...

Đó là thông điệp thứ ba mà nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn đã gởi lại cho người đọc.


(Nguồn: trang web văn học Đất Đứng tháng 2 năm 2013)   

Hoàng Nhật Thanh





HUYỀN THOẠI NGƯỜI LÁI ĐÒ

Sáu mươi năm tuổi đờ
Thầy về hưu với những giấc mơ bạc trắng
Con đò ngang rệu rã
Cùng bao lớp học trò đã lũ lượt qua sông
Có những ánh mắt thân thương
Cũng có những giọng cười bất nghĩa
Dòng sông chữ bây giờ không còn hiền hòa
Cứ chập chờn sóng dữ.


Các quan chức giáo dục đứng trên gò cao
Thét gào
Hô hào
Hò hét
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng tiết học!
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng bài giảng!
Nhưng lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?

Lấp ló quanh trường
Hết bão đen rồi lại nước mắt
Lũ sát thủ tuổi teen
Những băng cướp áo trắng
Clip sex học trò
Bạo lực học đường...
Ngày ngày vây quanh
Ngày ngày gầm gừ
Ngày ngày rình rập
Thầy từng đêm vò đầu thức trắng
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?

Người Lớn nói “có”:
- Dù có tiêu cực
Dù có ném “phao”

Dù có nâng điểm
Nhưng kết quả thi vẫn thành công tốt đẹp!
(nói "có" có nghĩa là "không"?)
Người Lớn nói “không”:
- Hãy nói không với bệnh thành tích
Hãy nói không với gian lận thi cử
Nhưng thi tốt nghiệp vẫn không được rớt nhiều!
(nói "không" cũng là "có"?)
Các bài giảng đạo đức bỗng rụt đầu xấu hổ
Các con số đậu 100% cứ lăn lộn mãi vì cười
Học trò nhìn nhau ngơ ngác
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?

Học trò về thăm bến sông xưa
Con đò ngang vắng bóng...
Có em nói thầy đã đi tìm lửa phương xa
Có em đoán thuyền thầy đang ra khơi vượt biển lớn
Có em vớt được những mảnh vỡ của thuyền
Khóc...


(Đã đăng trên trang web văn học Hội Nhà Văn tp.HCM ngày 20.11.2012)


Thanh Trắc Nguyễn Văn



-------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: Ảnh Thầy giáo Lại Tiến Minh (ảnh 2 và ảnh 15), Photo: Đỗ Trung (ảnh 4 - áo dài trắng cầm giỏ, mắt nhìn xa xăm), tranh họa sĩ Tín Đức (ảnh 8 - nữ sinh nón lá đi xe đạp) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
 

7 nhận xét :

Nặc danh nói...

Cám ơn bài thơ và bài cảm nhận trên. BM cũng là một nha 2giáo nên càng hiểu sâu sắc những gì hai tác giả viến ở trên.
Thầy bây giờ phải đứng trước nhiều thách thức, Học trò giờ "ỷ" nhiều thứ. Chỉ ngay học kiến thức cũng đã là biến mênh mông tài liệu in, tài liệu trên internet - và rồi mới tới người trực tiếp dạy. Vậy Người Thầy đang đứng trên lớp có biết vị trí chính của mình ở đâu trong mắt học trò không? Không dễ, đó là thách thức và cần bản lĩnh người Thầy.
Nhiều nữa: Sự trung thực, nhiệt huyết, phương pháp... cần có ở người Thầy. thế mà lâu nay nhiều người vẫn nghĩ: Nghề nhẹ nhàng.
Bàn về Nghề giáo luôn nhiều vấn đề phải không chủ nhà?
Bao năm loay hoay sửa đổi, tìm giải pháp phát triển giáo dục = phát triển con người = tạo cho sự phát triển đất nước vẫn xoay vần. Người Thầy cũng bị quẩn quanh theo guồng đó, bao giờ sẽ thấy NHẸ NHÀNG?...
Vừa sáng qua đọc được entry này, đôi điều cùng chia sẻ với chủ nhà.
nếu có dài dòng xin lỗi nhé.

thanhtracnguyenvan nói...

Cảm ơn cô Bạch Mai, bài thơ Huyền thoại người lái đò đi dự thi thơ ở một giải thơ nọ là một trong 10 bài thơ đã vào đến vòng chung khảo. Không ngờ Ban giám khảo chung khảo đã cho rớt giải và loại ra khỏi 10 bài thơ chung khảo luôn (chung khảo chỉ còn lại 9 bài, dù Ban giám khảo sơ khảo đã chấm và chọn!) chỉ vì nội dung bài thơ Huyền thoại người lái đò có quá nhiều "đụng chạm"!

Unknown nói...

Đã từ lâu, tôi rất yêu thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn trên web datdung.com. Nay, mai mắn tìm được Blogs của anh, được đọc thêm nhiều tác phẩm mà hạnh phúc quá. Tôi: Lê Văn Thật chủ nhiệm CLB Thơ Bình Thạnh (Tây Ninh), nếu mai mắn được anh ghé nhà và giao lưu thì vui biết mấy.

thanhtracnguyenvan nói...

Cảm ơn anh Lê Văn Thật, chúc anh có thêm nhiều sáng tác mới

Lê Long nói...

một bài thơ nói lên nỗi lòng của các nhà giáo VN

Lê Thị Hương Tràm nói...

Tình yêu thương của một người thầy đã trở thành huyền thoại trong thơ

Lê Long nói...

giáo dục là nỗi đau của VN