Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Giới thiệu tập thơ Đá Hát của Mỹ Hạnh




GIỚI THIỆU TẬP THƠ ĐÁ HÁT 

Xin được giới thiệu tập thơ ĐÁ HÁT, của nhà thơ nữ Mỹ Hạnh (Sơn La), do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cấp giấy phép năm 2019. Tập thơ được in trên nền giấy trắng đẹp có khoảng 103 trang.



Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Từ tiếng Việt dùng sai

Góc Nhỏ Văn Thơ


TỪ TIẾNG VIỆT DÙNG SAI

"Cho nên còn ở cái thời kỳ vị hôn phu và vị hôn thê mà cậu ấm Hai cùng cô chiêu Tần thường được gặp nhau và trò chuyện." (Nguyễn Tuân - Vườn xuân lan tạ chủ)

[Hôn phu] hay [hôn thê] không phải là từ đúng để chỉ chồng chưa cưới, vợ chưa cưới (fiancé / fiancée). Từ chính xác phải là [Vị hôn phu], [Vị hôn thê].

Nhiều người, thậm chí là trong các sách báo chính chuyên, hiểu nhầm rằng "vị" là từ để chỉ sự kính trọng khi đặt trước một danh từ khác, nên có thể tùy tiện mà bỏ đi chữ "vị" này. Nào có biết rằng "vị" (未) nghĩa là "chưa", cũng chính là "vị" trong [vị thành niên] (chưa đến tuổi trưởng thành), [vị tất] (chưa hẳn là)...

Do đó cụm từ [vị hôn phu / thê] là chỉ người "phu, thê" nhưng "chưa kết hôn" của mình, cũng chính là ý chồng chưa cưới, vợ chưa cưới. Ta phải giữ nguyên cả ba chữ mới chứa đựng đầy đủ nghĩa gốc, chứ không hề có ý chỉ vị này, vị kia.


Photo by Nguyễn Đình Tròn


Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

Thơ 0388: Về với quê hương



VỀ VỚI QUÊ HƯƠNG 

Người về quỳ dưới gốc đa
Tìm trong biển nắng bóng Cha dãi dầu
Vai gầy cày với sức trâu
Đất khô hạn vỡ để màu lúa xanh.

Bao năm khói bụi thị thành
Câu ru của Mẹ sao đành lãng quên
Còn đâu tiếng võng đưa êm
Hoa cau rụng trắng trắng thềm nhà xưa?

Người về khóc với gió mưa
Thương quê hương mãi bốn mùa bão dông
Lũ dâng nước ngập trắng đồng
Áo bà ba tím giữa dòng lạc trôi...

Người về cùng đất sinh sôi
Lệ đau thấm giọt mồ hôi cay nồng

Bàn tay giục đá đơm bông
Nắng xuân vui hẹn sáng hồng đường thôn.

2019 


Thanh Trắc Nguyễn Văn



--------------------------------------------------
* Bài thơ đã đăng trên báo Cần Thơ Chủ Nhật số 33 (5763) ngày 9.2.2020
* Bài thơ đã đăng trên báo Văn Nghệ Đồng Tháp số 15 (667), ngày 5.8.2020

Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Han Kang, Nobel Văn Học 2024 – Lời thì thầm lặng lẽ lay động thế giới

Góc Nhỏ Văn Thơ


HAN KANG, NOBEL VĂN HỌC 2024 - LỜI THÌ THẦM LẶNG LẼ LAY ĐỘNG THẾ GIỚI

Có lẽ nhiều bạn chưa biết đến Han Kang, nhưng cái tên này vừa khiến cả thế giới văn chương xôn xao khi bà được trao Giải Nobel Văn học vào tháng 10 năm nay. Nữ nhà văn Hàn Quốc sinh năm 1970 tại thành phố Gwangju, trước khi chuyển đến Seoul cùng gia đình khi mới 9 tuổi.


Photo by Kevin Le


Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Với bàn tay ấy... - Xuân Diệu

Góc Nhỏ Văn Thơ


VỚI BÀN TAY ẤY... - XUÂN DIỆU

(tặng Huy Cận)

Với bàn tay ấy ở trong tay,
Tôi đã nguôi quên hận tháng ngày,
Một tối trăng cao gieo mộng tưởng
Vào lòng gió nhẹ thẩn thơ bay.

- Một tối bầu trời đắm sắc mây,
Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy,
Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ,
Nghiêng xuống làn rêu, một tối đây.


Photo by Kevin Le


Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

Học trò tặng thơ (2)




HỌC TRÒ TẶNG THƠ (2)

Thầy cho em chút điện năng
Để em thắp sáng con trăng đêm buồn
Tình yêu thầy đã cấp nguồn
Ngày đêm chắp vá chiếc xuồng sang sông
Cảm ơn thầy đã bỏ công
Mười ba sẽ mãi mang công ơn thầy. 


20.11.2019

Thu Trúc lớp 11A13




Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Nghịch lân

Góc Nhỏ Văn Thơ


NGHỊCH LÂN

"Rồng có nghịch lân, chạm vào ắt nổi giận." (Long hữu nghịch lân, xúc chi tất nộ)
Nghịch lân (逆鳞) nghĩa là vảy ("lân") mọc ngược ("nghịch"). Tương truyền dưới cổ của loài rồng có một mảng vảy trắng, to bằng lòng bàn tay có hình lưỡi liềm, thường gọi là nghịch lân. Cụm từ này dùng để chỉ sự vật, sự việc cực kì trọng yếu với một người - nếu ai dám chạm đến "mấu chốt" ấy thì dù là người hiền lành hòa nhã đến đâu cũng sẽ nổi cơn thịnh nộ.

Thành ngữ này xuất phát từ sách "Hàn Phi Tử" của học giả Pháp gia nổi danh thời Chiến quốc - Hàn Phi. Phần Thiết Nan, chương thứ 12 kể:

Ngày xưa, Di Tử Hà (弥子瑕) rất được vua nước Vệ sủng ái. Theo luật nước Vệ, ai tự ý dùng xe của vua sẽ bị tội chặt chân. Một lần, mẹ của Tử Hà lâm bệnh, có người nghe tin đang đêm đến báo cho ông. Tử Hà bèn lén lái xe của Vệ Linh Công ra ngoài. Vua nghe chuyện, chẳng những không phạt mà còn khen: “Thật là hiếu thảo! Vì mẹ mà dám phạm tội chặt chân.”


Thiếu nữ xinh áo dài


Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Mưa Thuận Thành - Hoàng Cầm

Góc Nhỏ Văn Thơ


MƯA THUẬN THÀNH - HOÀNG CẦM (1960)

"Nhớ mưa Thuận Thành
Long lanh mắt ướt
Là mưa ái phi
Tơ tằm óng chuốt
Ngón tay trắng nuột
Nâng bồng Thiên Thai

Mưa chạm ngõ ngoài
Chùm cau tóc xoã
Miệng cười kẽ lá
Mưa nhoà gương soi

Phủ Chúa mưa lơi
Cung Vua mưa chơi
Lên ngôi Hoàng hậu
Cứ mưa Thuận Thành
Hạt mưa chưa đậu
Vai trần Ỷ Lan

Mưa còn khép nép
Nhẹ rung tơ đàn
Lách qua cửa hẹp
Mưa càng chứa chan

Ngoài bến Luy Lâu
Tóc mưa nghiêng đầu
Vành khăn lỏng lẻo

Hạt mưa chèo bẻo
Nhạt nắng xiên khoai
Hạt mưa hoa nhài
Tàn đêm kỹ nữ

Hạt mưa sành sứ
Vỡ gạch Bát Tràng
Hai mảnh đa mang

Chiều khô lá ngải
Mưa gái thương chồng
Ướt đằm nắng quái
Sang đò cạn sông

Mưa chuông chùa lặn
Về bến trai tơ
Chùa Dâu ni cô
Sao còn thẩn thơ
Sao còn ngơ ngẩn
Không về kinh đô

Ơi đêm đợi chờ
Mưa ngồi cổng vắng
Mưa nằm lẳng lặng

Hỏi gì xin thưa
Nhớ lụa mưa lùa
Sồi non yếm tơ

Thuận Thành đang mưa...


Photo by Ngo Thiet Hung


Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2019

Giới thiệu tập thơ Tính Ca Trên Bục Giảng của Lê Gia Hoài



GIỚI THIỆU TẬP THƠ TÌNH CA TRÊN BỤC GIẢNG

Xin được giới thiệu tập thơ TÌNH CA TRÊN BỤC GIẢNG, của nhà thơ Lê Gia Hoài, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam cấp giấy phép năm 2019. Tập thơ được in trên nền giấy trắng đẹp có khoảng 128 trang.



Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Ơn em - Du Tử Lê

Góc Nhỏ Văn Thơ


ƠN EM - DU TỬ LÊ

ơn em thơ dại từ trời,
theo ta xuống biển, vớt đời ta trôi.
ơn em dáng mộng mưa vời,
theo ta lên núi, về đồi yêu thương.
ơn em ngực ngải môi trầm,
cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan.
ơn em hơi thoáng chỗ nằm,
dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi.
ơn em tình như mù loà,
như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi.
ơn em hồn sớm ngậm ngùi,
kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.
tạ ơn em… tạ ơn em…


Photo by Nguyễn Đình Tròn


Thứ Năm, 12 tháng 12, 2019

Học trò tặng thơ (1)





NGHE THẦY ĐỌC THƠ

Em nghe thầy đọc bao ngày
Tiếng thơ đỏ nắng, xanh cây quê nhà
Mái chèo nghe vọng sông xa
Êm êm như tiếng của bà năm xưa
Nghe trăng thuở động tàu dừa
Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời
Thêm yêu tiếng hát nụ cười
Yêu thơ em thấy đất trời nở hoa.

2019

Thơ Trần Đăng Khoa


(Học sinh lớp 12A4 trường THPT Võ Thị Sáu viết tặng)



Thứ Tư, 11 tháng 12, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Lá xanh

Góc Nhỏ Văn Thơ


LÁ XANH

Cuộc sống đôi khi áp lực quá. Mang lên người biết bao gánh gồng. Phải là người thế này, nhất định phải thế kia, trách nhiệm là thế đó...

Để rồi lâu lâu tự nhắc mình:

"Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp luỹ xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh"

(Lá xanh - Nguyễn Sĩ Đại)

(Góc Nhỏ Văn Thơ)


Photo by Nguyễn Trùng Nhị


-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet.

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Vần thông

Góc Nhỏ Văn Thơ


VẦN THÔNG

Vần là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Những chữ có vần giống nhau hoàn toàn gọi là "vần chính", những chữ có vần gần giống nhau gọi là "vần thông" (Thông vận).

"Thâm khuê vắng ngắt như tờ,
Cửa châu gió lọt, rèm ngà sương gieo."
[tờ - ngà thông nhau]

Vần thông được tạo nên bởi sự hòa phối âm thanh giữa các tiếng được gieo vần, trong đó bộ phận cái (kể từ nguyên âm chính đến cuối âm tiết) không lặp lại hoàn toàn mà có thể khác biệt nhau chút ít. Như vậy, dù là những tiếng không có cùng một âm như vần chính, nhưng vì có sự  vận động của môi và lưỡi rất giống nhau nên vẫn có thể ăn vận với nhau được.


Photo by Phúc Silk


Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Muối và gừng

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ


MUỐI VÀ GỪNG

"Muối ba năm muối đang còn mặn,
Gừng chín tháng, gừng hãy còn cay.
Đôi ta tình nặng nghĩa dày,
Có xa nhau đi nữa, ba vạn sáu ngàn ngày mới xa."


Photo by Ba Tran


Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Chùm ảnh Báo bảng đẹp Chào mừng ngày 20 tháng 11



THI BÁO BẢNG CHÀO MỪNG NGÀY LỄ NHÀ GIÁO 20 THÁNG 11

Thay vì chọn báo tường để thi Chào mừng ngày 20 tháng 11, trường THPT Triệu Sơn đã cho các lớp thi đua làm báo bảng. Không cần lưu trữ trưng bày lâu, chỉ vỏn vẹn tham quan 1 tuần... nhưng chỉ cần một cái điện thoại cũng đủ để lưu trữ lại để xem.




Thứ Năm, 5 tháng 12, 2019

Phổ nhạc: Đôi Khi, nhạc Triều Châu



Xin giới thiệu nhạc phẩm ĐÔI KHI của nhạc sĩ Triều Châu. Nhạc phẩm này được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Thanh Trắc Nguyễn Văn.



Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Chỉ là chuyện thường tình - Tâm Văn

Góc nhỏ văn thơ


CHỈ LÀ CHUYỆN THƯỜNG TÌNH - TÂM VĂN

"Thế giới này rộng lớn là thế, đi đến cùng trời cuối đất cũng không gặp được anh; nhưng đồng thời thế giới cũng quá ư là nhỏ bé, gặp ai, cũng thấy giống anh.

Tay nắm tay bước trên thảm đỏ, cùng với người mình yêu, sống đến đầu bạc răng long, bên nhau trọn đời, là giấc mộng biết bao người ước ao.


Photo by Vũ Thanh Tùng


Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

Ca dao, vè về Chuột (2)



CA DAO, VÈ VỀ CHUỘT (2) 

Bốn anh cùng chung một tên
Cùng đi một bước như in rành rành
Anh thì chiếm bảng đề danh
Anh thì hôi rích như hình cú ma
Anh thì lắm bạn thay là
Anh thì bé tí chẳng ma nào nhìn
Là những con gì?

Cà cưỡng bay cao
Chào mào bay thấp
Cu bay về ấp
Quạ bay về trời
Nghe tiếng chủ mời
Ra ăn thịt chuột
Thịt gà đang luộc
Thịt chuột đang hâm
Dọn thầy một mâm
Thầy ăn kẻo tối.

Cà cưỡng bay cao
Chào mào bay thấp
Cu bay về ấp
Trở mỏ về trời
Nghe thấy thầy mời
Về ăn thịt chuột
Mâm dưới nhẵn chuột
Mâm trên nhẵn đầu
Chín chả ngàn lâu
Con trâu ních hết.




Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

Ca dao, vè về Chuột



CA DAO, VÈ VỀ CHUỘT

Anh kia quần áo đẹp sang
Cái nhà anh ở như hang chuột chù.

Bí ngô là cô đậu nành
Đậu nành là anh dưa chuột
Dưa chuột cậu ruột dưa gang
Dưa gang cùng hàng dưa hấu
Dưa hấu là cậu bí ngô
Bí ngô là cô đậu nành.

Bước sang tháng sáu giá chân
Tháng chạp nằm trần bức đổ mồ hôi
Con chuột kéo cày lồi lồi
Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong
Vườn rộng thì thả rau rong
Ao sâu vãi cải lấy ngồng làm dưa
Đàn bò đi tắm đến trưa
Một đàn con vịt đi bừa ruộng nương
Voi kia nằm dưới gậm giường
Cóc đi đánh giặc bốn phương nhọc nhằn
Chuồn chuồn thấy cám liền ăn
Lợn kia thấy cám nhọc nhằn bay qua
Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười
Con gà nậm rượu nuốt người lao đao
Lươn nằm cho trúm bò vào
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô
Thóc giống cắn chuột trong bồ
Một trăm lá mạ đổ vồ con trâu
Chim chích cắn cổ diều hâu
Gà con tha quạ biết đâu mà tìm.




Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Những bóng ngưởi trên sân ga - Nguyễn Bính

Góc Nhỏ Văn Thơ


NHỮNG BÓNG NGƯỜI TRÊN SÂN GA - NGUYỄN BÍNH

Những cuộc chia lìa khởi tự đây,
Cây đàn sum họp đứt từng dây.
Những đời phiêu bạt, thân đơn chiếc,
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày...

Có lần tôi thấy hai cô bé,
Sát má vào nhau khóc sụt sùi.
Hai bóng chung lưng thành một bóng,
“- Đường về nhà chị chắc xa xôi?”

Có lần tôi thấy một người yêu,
Tiễn một người yêu một buổi chiều,
Ở một ga nào xa vắng lắm!
Họ cầm tay họ, bóng xiêu xiêu.

Hai chàng tôi thấy tiễn chân nhau,
Kẻ ở sân toa, kẻ dưới tàu,
Họ giục nhau về ba bốn bận,
Bóng nhoà trong bóng tối từ lâu.

Có lần tôi thấy vợ chồng ai,
Thèn thẹn đưa nhau, bóng chạy dài,
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại:
“- Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”

Có lần tôi thấy một bà già,
Đưa tiễn con đi trấn ải xa.
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng,
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.

Có lần tôi thấy một người đi,
Chẳng biết vì đâu, nghĩ ngợi gì!
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ,
Một mình làm cả cuộc phân ly.

Những chiếc khăn mầu thổn thức bay,
Những bàn tay vẫy những bàn tay,
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?

Tôi đã từng chờ những chuyến xe,
Đã từng đưa đón kẻ đi về.
Sao nhà ga ấy, sân ga ấy,
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?

Hà Nội, 1937


V ChiVu


Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Hàn lộ

Góc nhỏ văn thơ


HÀN LỘ

Hôm nay (8/10) là khởi đầu của tiết Hàn Lộ, một trong 24 tiết khí của Âm Dương lịch phương Đông. Trước là 'Thu phân', sau là 'Sương giáng'. Hàn Lộ đánh dấu sự kết thúc của tháng Dậu và bắt đầu của tháng Tuất theo lịch Can Chi.

Hàn Lộ (寒露) dịch nghĩa đen là "Sương lạnh", lúc mặt trời ở xích kinh 195°, mưa dần ngớt đi, không khí lạnh dần, ban ngày trong trẻo, ban đêm sương đọng trên lá, do đó có tên Hàn Lộ. Trong "Nguyệt Lệnh Thất Thập Nhị Hậu Tập Giải" có nói: “Tháng Chín, sương đã lạnh, chuẩn bị đông kết”. Lúc này, nhiệt độ thấp hơn nhiều so với thời điểm Bạch Lộ, sương xuất hiện dày đặc hơn và không khí ban ngày lẫn ban đêm đều mang theo hơi lạnh.

Nguyễn Tử Thành đời Trần viết:

"Quy tứ chính sầu, thu chính hảo,
Nhất đoàn hàn lộ vị khai hoa."
(Day dứt ý về, thu thắm đẹp,
Nụ hoa chưa nở, hạt sương sa. - Nguyễn Trọng Nhàn dịch)


Belux Studio