Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Vần thông
VẦN THÔNG
Vần là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Những chữ có vần giống nhau hoàn toàn gọi là "vần chính", những chữ có vần gần giống nhau gọi là "vần thông" (Thông vận).
"Thâm khuê vắng ngắt như tờ,
Cửa châu gió lọt, rèm ngà sương gieo."
[tờ - ngà thông nhau]
Vần thông được tạo nên bởi sự hòa phối âm thanh giữa các tiếng được gieo vần, trong đó bộ phận cái (kể từ nguyên âm chính đến cuối âm tiết) không lặp lại hoàn toàn mà có thể khác biệt nhau chút ít. Như vậy, dù là những tiếng không có cùng một âm như vần chính, nhưng vì có sự vận động của môi và lưỡi rất giống nhau nên vẫn có thể ăn vận với nhau được.
"Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa"
[tà - hoa thông nhau]
Trần Trọng Kim viết: "Khi một âm phát ra là do sự vận-động của môi và lưỡi. Hai âm theo một sự vận-động ấy gần như nhau, tất là hơi tương-tự nhau, như a với ơ đều cùng một sự vận-động của môi và lưỡi, thì a có thể thông với ơ; ơ với ư cũng đồng một sự vận-động của môi và lưỡi, thì ơ có thể thông với ư." (Việt Thi)
"Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới"
[muối - tới thông nhau]
Trong sách này Trần Trọng Kim cũng liệt kê ra các vần có thể thông với nhau:
a thông với ơ
ơ thông với ư
e, ê, i thông với nhau
o, ô, u thông với nhau
ai thông với ay
"Vĩ lô sàn-sạt hơi may,
Một trời thu để riêng ai một mình."
[may - ai]
ai, oi, ôi, ơi, ươi, ui thông với nhau
ao thông với au
"Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san."
[bào - màu]
ao, eo, êu, iêu, iu, ưu thông với nhau
am thông với ơm
ăm thông với âm
êm thông với im
"Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề"
[Kim - đêm]
an thông với ơn
ăn thông với ân và uân
en, in, iên, uyên thông với nhau
on, ôn, uôn thông với nhau
on thông với un
ang thông với ương
ăng, âng, ưng thông với nhau
"Chim hôm thoi-thót về rừng,
Đóa trà-my đã ngậm trăng nửa vành."
[rừng - vàng]
ong, ông, ung thông với nhau
uông thông với ương
anh, ênh, inh thông với nhau
Những vần thông của vần trắc cũng theo một nguyên-tắc như những vần thông của vần bằng
"Tài sắc đã vang-lừng trong nước,
Bướm ong càng xao-xác ngoài hiên"
[nước - xác thông nhau]
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Phúc Silk và ảnh minh họa sưu tầm từ internet.
Nhãn:
Ban tron van nghe
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét