Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Bài thơ tình ở Hàng Châu - Tế Hanh
BÀI THƠ TÌNH Ở HÀNG CHÂU - TẾ HANH
Cách đây mấy năm điện ảnh Việt Nam có một bộ phim mang tên "Nhắm mắt thấy mùa hè", nói về mối tình giữa một cô gái Việt Nam và một chàng trai Nhật Bản. Cả hai phải chia xa nhau khi cô gái quay về nước, để lại niềm nuối tiếc khôn nguôi. Mình lại nhớ một bài thơ rất dễ thương của nhà thơ Tế Hanh viết sau chuyến công tác Trung Quốc, cũng nói lên tình cảm xa xứ giữa hai đất nước.
Anh xa nước nên yêu thêm nước,
Anh xa em càng nhớ thêm em.
Trăng Tây Hồ vời vợi thâu đêm,
Trời Hàng Châu bốn bề êm ái.
Mùa thu đã đi qua còn gửi lại,
Một ít vàng trong nắng trong cây,
Một ít buồn trong gió trong mây,
Một ít vui trên môi người thiếu nữ...
Anh đã đến những nơi lịch sử:
Đường Tô Đông Pha làm phú,
Đường Bạch Cư Dị đề thơ.
Hồn người xưa vương vấn tự bao giờ,
Còn thao thức trên cành đào ngọn liễu.
Phong cảnh đẹp nhưng lòng anh thấy thiếu,
Bức tranh kia anh muốn điểm thêm màu:
Có hai ta cùng tựa bên cầu
Cho mặt nước Tây Hồ trong sáng nữa.
Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa,
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa.
Làn nước qua ánh mắt ai đưa,
Cơn gió đến bàn tay em vẫy.
Chúng mình đã yêu nhau từ độ ấy,
Có núi sông và có trăng sao,
Có giận hờn và có chiêm bao.
Cay đắng ngọt bùi cuộc đời kháng chiến,
Nói sao hết em ơi bao kỷ niệm...
Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui,
Những ngày vui sao lại thấy ngùi ngùi.
Anh không muốn hỏi nhiều quá khứ,
Ngày đẹp nhất là ngày rồi gặp gỡ.
Rời Tây Hồ trăng xuống Bắc Cao Phong,
Chỉ mình anh với im lặng trong phòng;
Anh ngước nhìn bức thêu trên vách:
Hai bóng người đi
một hàng tùng bách,
Bàn tay nào đã dệt nỗi lòng anh?
Tiếng mùa xuân đem sóng vỗ bên mình.
Vơ vẩn tình chăn
chập chờn mộng gối.
Anh mơ thấy Hàng Châu thành Hà Nội,
Nước Tây Hồ bỗng hoá nước Hồ Tây;
Hai chúng mình cùng bước dưới hàng cây...
1956
Tế Hanh là nhà thơ hiền hậu, nhưng tình cảm lại thiết tha và tinh tế, điều này được phản ánh rất rõ qua thơ ông. Yêu ai đó, ông làm thơ. Nhớ ai đó, ông làm thơ. Làm thơ tặng cho em "Tặng em thế kỷ chúng ta/ Nỗi vui nỗi khổ đều qua vội vàng”. Bài thơ này mình đặc biệt ưa thích cách ông dùng Tây Hồ như một chứng nhân cho tình yêu, và càng làm nỗi nhớ thêm sâu khi ông về Hà Nội, nơi cũng có một hồ Tây.
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Tapi Studio và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Nhãn:
Ban tron van nghe
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét