Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Uống rượu ngắm mẫu đơn - Lưu Vũ Tích

Góc Nhỏ Văn Thơ


UỐNG RƯỢU NGẮM HOA MẪU ĐƠN - LƯU VŨ TÍCH

"Mẫu đơn" (牡丹) - thuộc chi Paeonia, họ Paeoniaceae, là loài hoa được mệnh danh "Quốc sắc thiên hương" thường xuất hiện trong thi ca thời xưa.

Từ điển Nguyễn Quốc Hùng giảng:

"...là một thứ hoa đẹp hơn các loại hoa, gọi là hoa vương vua các hoa, ngày xưa gọi Mộc thược dược: 木芍藥: Hoa có nhiều cạnh giống hoa tường vi (hường), có nhiều màu vàng, tím, trắng, đỏ, chính sắc và gián sắc, là có nắm chia, cây cao năm sáu thước. Xuân nở hoa đến đầu hạ. Có tên riêng là Phú—quý—hoa vì có vẻ sặc sỡ sang giàu, lại có tên Diêu Hoàng, Nguỵ tử 姚黃, 魏紫: Vàng họ Diêu, tím họ Nguỵ. Vì hai họ ấy đã tìm ra được hoa ấy màu vàng, tím đẹp hơn cả."


Photo by Đào Vĩnh Hà



Photo by Đào Vĩnh Hà


Mây mưa mấy giọt chung tình,
Đình trầm hương khoá một cành mẫu đơn
(Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều)

Được uống rượu, ngắm hoa mẫu đơn ắt hẳn phải là niềm khoái lạc, vậy cớ sao Lưu Vũ Tích - thi nhân đời Trung Đường, lại viết nên mấy dòng thơ rất... sầu:

Kim nhật hoa tiền ẩm,
Cam tâm tuý sổ bôi.
Đãn sầu hoa hữu ngữ:
Bất vị lão nhân khai.
"Hôm nay uống rượu ngắm hoa
Cạn đôi ba chén gọi là mua vui
Chỉ e hoa nói lên lời:
Em không phải nở cho người già nua."
(Bản dịch Nam Trân)


Photo by Đào Vĩnh Hà


Hoa mẫu đơn thì mãi tươi đẹp, năm tháng qua đi vẫn khoe sắc khoe hương, nhưng đời người không như hoa: hoa tàn lại nở, người già thì chẳng thể nào trẻ lại.

Say sưa mấy chén rượu bên hoa, bên 'mỹ nhân', bên 'cảnh đẹp' - lúc tuổi trẻ là chuyện thường gặp, không gì xa lạ, nhưng đến tuổi già lại trở nên xa xỉ, không phải muốn là làm được. Đấy là sự tàn khốc của thời gian.


Photo by Đào Vĩnh Hà


Lưu Vũ Tích tự giễu bản thân đã già, đến nỗi nếu hoa mà có miệng, có ý chí riêng thì chắc hẳn chẳng chịu tiếp lão già này. Hẳn nhiên hoa vẫn nở rộ. Kẻ từ chối ta chính là bản thân ta. Khi lòng ta già nua, thì cuộc đời trôi đi đã đượm màu u tịch, có bao nhiêu rượu, bao nhiêu hoa cũng ích gì.

Thôi thì nói đi cũng phải nói lại, sinh lão bệnh tử vốn là chuyện của tạo hóa. Điều ta làm được không phải chống lại "tuổi già", mà là giữ sao cho tâm không già. Tâm đã không già, thì cảnh đời vẫn tươi đẹp, mẫu đơn vẫn nở rộ, chén rượu hay chén nước vẫn khiến lòng say mênh mang...


Photo by Đào Vĩnh Hà


Ghi chú: Lưu Vũ Tích là người Lạc Dương, tự: Mộng Đắc (夢得); là viên quan và là nhà thơ Trung Quốc thời Trung Đường.

Dưới thời Đường Thuận Tông, ông cùng Liễu Tông Nguyên giúp Vương Thúc Văn chấp chính, đề ra một số biện pháp canh tân. Nhưng không lâu sau, Vương Thúc Văn bị giáng chức, ông cũng bị đưa đi làm Tư mã Lãng Châu (nay là Thường Đức, tỉnh Hồ Nam), bấy giờ ông 33 tuổi.
Chín năm sau (814), Lưu Vũ Tích được triệu về kinh đô. Rồi vì bài thơ làm ở Huyền Đô quán (Trường An) xúc phạm giới cầm quyền, ông lại bị đưa đi làm Thứ sử ở Liên Châu. Về sau, ông còn bị đày làm Thứ sử ở Quỳ Châu và Hòa Châu.

Những năm cuối đời, Lưu Vũ Tích về ở Lạc Dương, làm chức quan nhàn tản là Thái tử tân khách. Đến đời Đường Vũ Tông (840-846), ông được phong làm Kiểm hiệu Lễ bộ Thượng thư. Năm 842, Lưu Vũ Tích mất, thọ 70 tuổi.

Tác phẩm thi ca của ông có Lưu Tân Khách tập, gồm 40 quyển. Đương thời, ông được sánh ngang với Bạch Cư Dị (người đời gọi chung là Lưu-Bạch), còn Bạch Cư Dị thì gọi ông là "thi hào".

(Góc Nhỏ Văn Thơ)


Photo by Đào Vĩnh Hà


-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Đào Vĩnh Hà và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :