Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Bình bài thơ Đêm tân hôn của Thanh Trắc Nguyễn Văn



BÌNH BÀI THƠ ĐÊM TÂN HÔN CỦA THANH TRẮC NGUYỄN VĂN

Thơ viết về đêm tân hôn tuy khó mà dễ, và ngược lại cũng rất dễ nhưng lại khó! Viết về đêm tân hôn dễ đụng chạm đến những cái khó nói đó là cảnh chăn gối của đôi vợ chồng son. Nếu tôi nhớ không lầm trước đây nhà thơ Vũ Hoàng Chương cũng có viết một bài thơ tương tự với tựa đề là Tối tân hôn. Bài thơ trên của nhà thơ Vũ Hoàng Chương tuy hay nhưng cái hay trong bài thơ của ông là tạo cho người đọc có một cảm giác là đêm động phòng là một đêm cực kỳ lãng mạng hơn là trần tục:

“Ngực sát ngực môi kề môi
Nàng cùng ta nhìn nhau cùng chẳng nói
Ôm vai nhau cùng lắng tiếng xa xôi”.

“Ta cũng như nàng
Cảnh mộng chốn Bồng Lai đâu nhớ tới
Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải
Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn
Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi hạ giới
Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn”.
(Tối tân hôn – Vũ Hoàng Chương)







Đọc thơ của Vũ Hoàng Chương, nhà thơ đầy tài năng của thế kỷ trước, chúng ta những người đang sống trong thế kỷ 21 cứ thấy như vẫn còn thiếu thiếu một cung bậc gì đó trong đêm huyền diệu trên! Có thể đó là thiếu những đoạn thơ phải “nóng” hơn, phải “rực lửa” hơn để xứng đáng đích thực là tả Đêm tân hôn; để khẳng định được “yêu” nhau ngây ngất trong đêm trăng mật đầu tiên của đôi lứa mới chính là hạnh phúc chứ không phải là “bùn nhơ nơi hạ giới” như Vũ Hoàng Chương đã mô tả.

Khi nhận được tập thơ tặng Tuyển thơ Đất Đứng của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn (xuất bản năm 2011), tôi rất thú vị khi thấy trong tuyển tập thơ này có bài thơ Đêm tân hôn của tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn.

Đêm tân hôn
Đêm tân hôn
Nhìn chung Thanh Trắc Nguyễn Văn đã viết rất nhiều thơ về tình yêu, nhưng có lẽ do tác giả là nhà giáo nên thơ rất nghiêm túc, hầu như không tìm được một bài thơ nào của tác giả đã sáng tác trước đây có những từ đại loại như “hôn hít” cả. Ngoại trừ một sáng tác mới nhất của Thanh Trắc Nguyễn Văn viết về tình yêu mới có từ “hôn” vừa đăng trên Tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin. Nhưng đó cũng chỉ là mới xin được “hôn” thôi, mà từ bắt đầu “xin hôn” cho đến khi “được hôn” chắc chắn sẽ vẫn còn có rất nhiều khoảng cách...

“Xin em tặng một nụ hôn
Để anh hiểu biết lớn khôn thành người”
(Xin em – Thanh Trắc Nguyễn Văn)

Hoặc chỉ thầm mơ được "hôn" mà lại là hôn vạt áo bà ba của người đẹp:

"Cúi hôn vạt nắng bên thềm
Thầm mơ hôn vạt áo mềm bà ba"
(Thơ tình viết ở Bến Tre - Thanh Trắc Nguyễn Văn)




Trong bài thơ Đêm tân hôn, Thanh Trắc Nguyễn Văn đã tỏ ra “tiến bộ” rất nhiều khi cho người chồng biết “hôn” vợ. Nhưng điều này cũng đúng thôi, không lẽ trong đêm tân hôn Thanh Trắc Nguyễn Văn lại cho chú rể cả đêm cứ phải ngồi nhìn cô dâu và tụng kinh rồi mô Phật? Với kinh nghiệm của một người đã từng hai lần lập gia đình, đã từng hai lần trải qua hai đêm tân hôn với hai cô vợ trẻ, tôi tin Thanh Trắc Nguyễn Văn sẽ biết viết những gì chắt lọc nhất, những gì tinh túy nhất để xây dựng bài thơ thú vị trên được thành công mỹ mãn.

Đầu tiên là cái hôn khởi động của tân lang nhưng lại rất nóng bỏng:

“Hôn em từ ngực

Lên đầu...”

“Ngực” là danh từ của thế kỷ 21, còn thời của nhà thơ nữ Hồ Xuân Hương gọi đó là “Đôi gò bồng đảo”. Đọc đến đây tôi chợt toát mồ hôi lạnh! Ông Thanh Trắc Nguyễn Văn sẽ viết gì tiếp theo hở trời? May mắn thay! Với bút pháp rất thanh thoát, tác giả đã viết được một câu thơ diễn tả hạnh phúc ngất ngây của chú rể khi được hôn ngay “chỗ đó”:

“Nụ hôn trên đỉnh ngọt ngào phù vân”

Đêm tân hôn
Đêm tân hôn
Vừa lãng mạng lại vừa có “tính thiền” (đỉnh phù vân)! Nụ hôn tiếp theo của chú rể còn kinh khủng hơn:

“Hôn em từ trán xuống chân”

Hôn từ trán xuống chân nghĩa là sẽ đi qua nơi nhạy cảm nhất của cô dâu (bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã từng gọi nơi đó là “lạch Đào Nguyên”). Với tài thơ của mình Thanh Trắc Nguyễn Văn tỏ ra rất cao tay và rất ý nhị khi viết:

“Động Đào Nguyên mở
Hỏi gần
Hay xa?”






Rất hay và hợp lí về nghệ thuật thơ cũng như kinh nghiệm chăn gối trong đời sống sinh hoạt vợ chồng! Sau khi “hôn” là “ôm vào”. Tác giả tiếp tục viết:

“Yêu em
Dưới ánh đèn hoa
Ôm vào hương tóc lược là giai nhân”

Qua câu thơ của Thanh Trắc Nguyễn Văn người đọc dể cảm nhận cô dâu rất đẹp, rất diễm lệ trên giường vào đêm tân hôn. Và người chồng đã không kiềm chế được phải thực hiện tiếp động tác “cởi ra”:

“Yêu em da ngọc trắng ngần
Cởi ra”

Đêm tân hôn
Đêm tân hôn
Đọc đến đây, tôi đã thử gấp tập thơ lại và đặt mình vào hoàn cảnh nếu mình là Thanh Trắc Nguyễn Văn, mình sẽ viết những gì để kết thúc bài thơ cho thật đẹp, cho thật nhân văn mà không bị sa vào sự thô tục của tự nhiên chủ nghĩa? Suy nghĩ mãi nhưng đành chịu! Thế là tôi mở bài thơ ra và đọc tiếp:

“Lấp lánh
Một vầng trăng tiên"


Thật đẹp! Cô dâu, người phụ nữ duy nhất trong bài thơ, đã được ẩn dụ nâng cao lên thành trăng, thành nàng tiên trong vòng tay yêu thương say đắm của người chồng...



Bài thơ Đêm tân hôn là một bài thơ thuộc loại “thơ người lớn” của Thanh Trắc Nguyễn Văn đã được tác giả viết dưới dạng thơ lục bát truyền thống, thật ngọt ngào và gây được nhiều cảm xúc. Đây là một đề tài rất khó viết. Nhưng với sự đầu tư rất kỹ càng, cùng cách dùng từ và biết chọn lựa những hình ảnh thật đặc sắc, Thanh Trắc Nguyễn Văn đã khiến bài thơ trở nên dễ thương hơn, có nhiều khám phá mới lạ hơn. Và cuối cùng, thành công nhất của bài thơ cũng chính là đã miêu tả đêm thăng hoa “khó nói” ấy thành một Đêm tân hôn đầy lãng mạn, đầy thi vị đáng nhớ cho đôi vợ chồng trẻ.

Xin được chúc mừng tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn.

(Trang web văn học Đất Đứng đầu xuân Nhâm Thìn 2012)

Ngọc Huỳnh






ĐÊM TÂN HÔN

Hôn em từ ngực
Lên đầu...
Nụ hôn trên đỉnh ngọt ngào phù vân.


Hôn em từ trán xuống chân
Động đào nguyên mở
Hỏi gần
Hay xa?

Yêu em
Dưới ánh đèn hoa
Ôm vào hương tóc lượt là giai nhân.


Yêu em da ngọc trắng ngần
Cởi ra
Lấp lánh

Một vầng trăng tiên...

Thanh Trắc Nguyễn Văn




-------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :