Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Tạp văn: Hãy nghe lời người lớn tuổi



HÃY NGHE LỜI NGƯỜI LỚN TUỔI

Những người lớn tuổi là những đã trải nghiệm cả đời người trong hành trình thời gian nên có rất nhiều kinh nghiệm sống phong phú. Ông bà chúng ta đã dạy không sai, qua câu tục ngữ rất hay lưu truyền lại cho đời sau: “Kính lão đắc thọ”. Tiếc thay, có lẽ do cuộc sống công nghệ thông tin hiện nay quá phát triển, nên nhiều gia đình và nhiều người tuổi còn rất trẻ lại quên mất điều này.






1. Chiều ngày 15.4.2016, tại sông Trà Khúc, thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, thành phố Quãng Ngãi đã có 9 em học sinh tắm sông không may gặp nạn bị chết đuối. Đau thương, tang tóc đã bao trùm lên những mái đầu bạc của những người cha, những người mẹ suốt đêm ngồi gào khóc gọi tên những đứa con đã vĩnh viễn ra đi… Nhiều người đã lên tiếng trách nhà trường nói riêng và Bộ Giáo dục và Đào tạo nói chung, tại sao trong các môn học thể thao của nhà trường lại không sớm phổ cập môn bơi cho các em? Điều trách cứ này không hề sai nhưng trước đó các em đã được bà Phạm Thị Bông, một người lớn tuổi, cảnh báo là tắm tại khúc sông đó rất nguy hiểm. Các em không chịu nghe lời, vẫn nhào xuống tắm và bi kịch đã xảy ra…

“Ông Trần Văn Kỳ, người dân chứng kiến vụ việc cho biết khoảng 12g45 phút cùng ngày có rất đông học sinh đi xe đạp, mặc đồng phục đến khu vực trên có ý định tắm sông. Lúc này bà Phạm Thị Bông đi thả bò thấy vậy la mắng nhưng các em không chịu nghe còn nói lại “La gì mà la miết”.

Sau đó bà Bông bỏ theo đàn bò còn những người dân cũng đã sang cồn đất nằm giữa sông Trà Khúc làm việc.

Đến khoảng 13g thì một người đàn ông (hiện sợ quá đã không có mặt tại hiện trường) thấy dép ở trên bờ mà không thấy người đã chồm tay xuống nước tìm và vớt được một em học sinh. Sau đó la thất thanh rồi bỏ chạy.

Nhiều người dân khác làm bên cồn nghe tiếng kêu vội chạy đến lao xuống nước tìm và vớt cả 9 thi thể lên bờ” (trích Tuổi Trẻ Online ngày 15.4.2016).

Nếu biết kính trọng và biết nghe lời bà Bông thì các em đã không gặp tai nạn bi thảm đến như vậy.



2. Đây không phải là bi kịch lần đầu. Vài năm trước cũng một tai nạn thương tâm khác đã xảy ra và cướp đi sinh mạng của 7 nam sinh, trong đó có nhiều em biết bơi, tại bãi biển Cần Giờ thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

“Tai nạn xảy ra lúc 15g30 ngày 29-12-2013 tại bãi biển 30 tháng 4 thuộc ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ. Buổi sáng cùng ngày đó, cô Phạm Thị Tâm – hiệu trưởng – cùng các thầy cô giáo Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức cho 96 học sinh thuộc các khối lớp của trường tham quan khu di tích Rừng Sác.

Sau khi tham quan di tích Rừng Sác, buổi trưa đoàn tham quan đến nghỉ trưa tại bãi biển 30 tháng 4. Có mười học sinh xuống biển tắm, trong đó bảy nam sinh bị sóng cuốn trôi và thiệt mạng. Các cơ quan chức năng đã huy động nhiều lực lượng cứu hộ và sau 15 giờ tìm kiếm, cứu hộ liên tục đã vớt đủ thi thể bảy học sinh giao về gia đình.” (trích Tuổi Trẻ Online ngày 18.4.2015)

“Cách đó không xa là nhà em T. nạn nhân được phát hiện cuối cùng bị kẹt trong đá của đoạn bờ kè. T. được đưa về nhà lúc 11h30 ngày 30.12.2013. Bố mẹ T. đã túc trực tại hiện trường suốt đêm để ngóng tin con.

Khi thi thể đưa về bệnh viện, mẹ em kêu gào thảm thiết. “T. là con đầu lòng. Nó bơi rất giỏi nhưng vẫn không thể thoát ra được” – bố của T. nói trong uất nghẹn.” (trích Vietnamnet ngày 31.12.2013, tên của nạn  nhân đã được viết tắt)

Rõ ràng các em nam sinh biết bơi và bơi rất giỏi nhưng vẫn bị chết đuối. Người thân của nạn nhân đã trách nhà trường và các thầy cô thiếu quan tâm các em, trách công ty du lịch không mua bảo hiểm, trách bảng báo nguy hiểm cấm tắm để khá xa nơi các em tắm, trách những người cứu nạn do lực lượng mỏng nên không kịp cứu hộ, trách thuyền cứu hộ bị hỏng nên ra ứng cứu quá chậm. Nhưng có một nguyên nhân khác mà ít ai nhắc đến vì sợ làm đau lòng những gia đình có con em gặp nạn:

“Khi chúng tôi hỏi tại sao đây là công trình đang xây dựng mà để các em vào tắm, ông Đinh Quang Tuấn, đội trưởng Đội bảo vệ – cứu nạn thuộc Ban Quản lý khu du lịch 30 tháng 4 nói: “Lúc đó chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với thầy cô giáo để nhắc nhở các em không được tắm. Thế mà các em không nghe lời, bất chấp nguy hiểm để xuống tắm. Khi nghe tin, chúng tôi gồm 4 người cứu hộ và 5 bảo vệ lập tức ứng cứu nhưng không kịp” (trích Thanh Niên ngày 31.12.2013).

Nếu các em biết nghe lời những người lớn tuổi, đừng quá chủ quan tự tin vào tài bơi lội của các em, thì đã không xảy ra những mất mát đau lòng trên.



3. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2015 đã có hằng trăm thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Kết quả là các em bị đình chỉ thi. Nhiều thí sinh đã khóc tức tưởi trước cổng trường thi vì các em không những đã đánh mất cơ hội vào đại học mà cả cơ hội tốt nghiệp phổ thông xem như cũng mất trắng. Nhiều người đã gọi đây là những cái “quên” đầy “oan nghiệt”.

Một giám thị gác thi rất bức xúc nói: “Khi đến làm thủ tục dự thi, các em đã được cán bộ coi thi chúng tôi nhắc nhở không được mang điện thoại vào phòng thi (lần 1). Trước khi được vào phòng thi các em đã được chúng tôi tiếp tục nhắc nhở tiếp (lần 2). Trước khi phát đề thi chúng tôi lại nhắc thêm lần nữa (lần 3). Thế mà không hiểu sao vẫn có nhiều em “quên” nên mang điện thoại vào phòng thi. Đến khi bị phát hiện và bị lập biên bản đình chỉ thi các em mới khóc lóc năn nỉ vì đã lỡ “quên”!”



Không riêng gì giám thị coi thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, nhiều thầy cô dạy lớp 12 cũng đã căn dặn học sinh của mình rất kỹ về điều này trước khi các em đi thi. Một thầy giáo chủ nhiệm lớp 12 đã than thở: “Là người đã có nhiều năm kinh nghiệm gác thi, chúng tôi đã nói rất nhiều về quy chế thi trong các giờ sinh hoạt lớp. Nhưng có nhiều em cứ “cà lơ” không nghe, hoặc nghe cho có. Vừa rồi có một em học sinh lớp tôi thi môn trắc nghiệm lý học kỳ 2 tại trường. Giấy thi trắc nghiệm của trường cũng là mẫu giấy thi tốt nghiệp THPT Quốc gia để các em có thể làm quen dần. Trên giấy thi trắc nghiệm, ngoài việc tô số báo danh và tô mã đề, còn yêu cầu thí sinh phải cung cấp rất nhiều thông tin như: phòng thi, ngày thi, ngày sinh của thí sinh, chữ ký thí sinh… Mặc dù giám thị đã nhiều lần nhắc nhở nhưng em đó vẫn không chịu điền đầy đủ thông tin vào. Em nói đang bận làm bài, lát nữa em sẽ ghi. Đến khi nộp bài, giấy thi của em chỉ ghi được có một dòng họ tên còn những dòng thông tin khác về thí sinh vẫn còn để trống. Nếu là kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia chắc chắn bài thi của em ấy sẽ có một kết quả không hay rồi!”.  

Do không kính trọng và không chịu nghe lời người lớn tuổi khuyên bảo, một số học sinh của chúng ta đã trả một giá quá đắc. Để kết thúc bài viết tôi kính xin các bậc phụ huynh, kính xin các quan chức giáo dục, kính xin nhà trường hãy thường xuyên dạy cho các em “Biết kính trọng và biết cân nhắc để nghe theo lời khuyên của những người lớn tuổi”. Dù chúng ta đang sống trong xã hội nào, trong thời đại nào, trong thế kỷ nào thì điều ấy mãi mãi vẫn luôn rất cần thiết.


2016
(Bài đã đăng trên trang web văn học Đất Đứng ngày 20.5.2016)


Thanh Trắc Nguyễn Văn



----------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

3 nhận xét :

Lê Long nói...

đây là sự "ưu việt" của cải cách giáo dục

mivan9x nói...

hay quá

mivan9x nói...

tuổi trè VN ngày càng xuống cấp