Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Hồ Xuân Hương (thơ tuyển - phần 1)



NHÀ THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG

1. Tiểu sử

Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nữ nổi tiếng trong lịch sử văn học dân tộc. Đối với người Việt Nam, tên tuổi của Hồ Xuân Hương quen thuộc không kém bất cứ một nhà thơ nào.

Đáng tiếc là về cuộc đời của nữ sĩ, chúng ta được biết quá ít. Tiểu sử của Hồ Xuân Hương đến nay vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi. Thậm chí có một vài ý kiến còn cho rằng những bài thơ được xem là của Hồ Xuân Hương hiện nay do nhiều người sáng tác, nghĩa là không có ai thực sự là Hồ Xuân Hương.

"Bà  Chúa thơ Nôm" là “con của Hồ Phi Diễn (1706-1783), quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và một người thiếp quê ở Hải Dương”
     
Năm sinh, năm mất, thân thế, cuộc đời, và thơ văn của bà đến nay vẫn còn vướng mắc nhiều nghi vấn. Ta chỉ biết bà sống vào thời Lê mạt Nguyễn sơ, người cùng thời với Nguyễn Du (1765-1820), Phạm Đình Hổ (tức Chiêu Hổ, 1768-1839). (theo thống kê của nhiều tài liệu).
      
Bà xuất thân trong một gia đình phong kiến suy tàn, song hoàn cảnh cuộc sống đã giúp nữ sĩ có điều kiện sống gần gũi với quần chúng lao động nghèo, lăn lộn và tiếp xúc nhiều với những người phụ nữ bị áp bức trong xã hội.

Bà là một phụ nữ thông minh, có học nhưng học hành cũng không được nhiều lắm, bà giao du rộng rãi với bạn bè nhất là đối với những bạn bè ở làng thơ văn, các nhà nho. Nữ sĩ còn là người từng đi du lãm nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước.

Là một phụ nữ tài hoa có cá tính mạnh mẽ nhưng đời tư lại có nhiều bất hạnh. Hồ Xuân Hương lấy chồng muộn mà đến hai lần đi lấy chồng, hai lần đều làm lẽ, cả hai đều ngắn ngủi và không có hạnh phúc. (Nhưng theo tài liệu của GS Hoàng Xuân Hãn và ông Lê Xuân Giáo thì nữ sĩ có tới 3 đời chồng chứ không phải hai: Tổng Cóc, Ông Phủ Vĩnh  Tường, và cuối cùng là quan Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiến).

Có thể thấy Hồ Xuân Hương không phải là một phụ nữ bình thường của thời phong kiến mà bà đã có một cuộc sống đầy sóng gió.

2.  Sự nghiệp sáng tác

Hồ Xuân Hương là nhà thơ Nôm nổi tiếng. Bà đã để lại nhiều bài thơ độc đáo với phong cách thơ vừa thanh vừa tục và được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Hồ Xuân Hương được coi là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam, “là nhà thơ độc đáo có một không hai trong lịch sử văn học dân tộc”

Các tác phẩm của bà đã bị mất nhiều, đến nay còn lưu truyền chủ yếu là những bài thơ chữ Nôm truyền miệng.

Lưu Hương Kí là tập thơ có nội dung tình yêu gia đình, đất nước, nó không thể hiện rõ cá tính mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương, cho nên, việc nghiên cứu giá trị thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu được thực hiện trên những bài thơ Nôm truyền tụng của bà.

Cách tả cảnh, tả tình, cách dùng từ… trong thơ Nôm của bà có một không hai, vô cùng sống động và đặc sắc. Xuân Diệu đánh giá thơ Hồ Xuân Hương là "tót vời của nguồn thơ nôm na bình dân".

Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ có thiên tài và giàu tình cảm, nhưng “vì số phận hẩm hiu, thân thế long đong, nên trong thơ của bà hoặc có ý lẳng lơ, hoặc có giọng mỉa mai, nhưng bài nào cũng chứa chan tình tự”

Thơ Hồ Xuân Hương cũng rắc rối, phức tạp như chính cuộc đời bà. Số bài thơ còn lại cho đến nay chủ yếu nhờ vào sự lưu truyền, bảo vệ của nhân dân nên có nhiều dị bản.

Số thơ Nôm lâu nay được coi là của nữ sĩ khoảng năm mươi bài. Ðây là tập thơ Nôm luật Ðường xuất sắc của nền văn học dân tộc (Tập thơ Xuân Hương thi tập) Ngoài tập thơ này còn có tập thơ  Lưu Hương ký mang bút danh của nữ sĩ do ông Trần Thanh Mại phát hiện vào năm 1964 gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ Nôm. Với một nghệ thuật điêu luyện, nhà thơ viết về tâm sự và  những mối tình của mình  với những người bạn trai.

Có thế nói “Sự nghiệp của Hồ Xuân Hương là ngọn hải đăng” như lời đề tựa thứ hai của tuyển tập Hồ Xuân Hương bằng tiếng Pháp. 


(sưu tầm)





1. BÁNH TRÔI NƯỚC

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.


Hồ Xuân Hương




2. CANH KHUYA

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con! 


Hồ Xuân Hương


3. THƠ TỰ TÌNH

Tiếng gà xao xác gáy trên vòm
Oán hận trông ra khắp mọi chòm
Mõ thảm không khua mà cũng cốc
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ
Sau hận vì duyên để mõm mòm
Tài tử văn nhân ai đó tá
Thân này đâu đã chịu già tom.

Hồ Xuân Hương




4. CÁI GIẾNG

Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông,
Giếng tót thanh thơi rất lạ lùng.
Cầu trắng phau phau hai ván ghép,
Nước trong leo lẻo một dòng thông.
Cỏ gà lún phún leo quanh mép,
Cá diếc le te lội giữa dòng.
Giếng ấy thanh tân ai đã biết,
Đố ai dám thả nạ rồng rồng.

Hồ Xuân Hương




5. CÁI QUẠT
 
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa,
Duyên này tác hợp tự ngàn xưa.
Chành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.
Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa.
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa.

Hồ Xuân Hương




6. CHI CHI CHUYỆN ẤY
 
Chi chi chuyện ấy đã đành lòng
Vó ký phen này quyết thẳng rong
Non nước chơi hoài non nước đó
Gió trăng nào phải gió trăng không
Mặt càng đối mặt tình ngao ngán
Tay chửa rời tay bước ngại ngùng
Lão Nguyệt nhẽ nào trêu quải mãi
Chén đồng xin hẹn khắc đêm đông.

Hồ Xuân Hương 




7. NGẠI NGÙNG

Ngại ngùng chưng những lúc phân kỳ
Vó ký dùng dằng bước chẳng đi
Lưu giản đôi câu sa giọt ngọc
Tương tư nửa gánh nặng vai chì
Cầm thông sầu gảy năm cung biệt
Rượu cúc say nghiêng một chén ly
Tưởng nước non này trăng gió ấy
Thấu tình chăng nhẽ khách tương tri. 


Hồ Xuân Hương




8. CHẾ SƯ

Chẳng phải Ngô chẳng phải ta
Đầu thì trọc lốc áo không tà
Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm
Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà
Khi cảnh khi tiu khi chũm chọe
Giọng hì giọng hỉ giọng hi ha
Tu lâu có nhẽ lên sư cụ
Ngất nghểu toà sen nọ đó mà.

Hồ Xuân Hương




9. CHƠI KHÁN ĐÀI
 
Êm ái chiều xuân tới khán đài
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai
Bốn mùa triêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn trời
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây chín rõ mười. 

Hồ Xuân Hương




10. CHƠI HOA

Đã trót chơi hoa phải có trèo,
Trèo lên chớ ngại mỏi xương nhèo.
Cành là cành bổng vin co vít,
Bông chín bông xanh để lộn phèo.

Hồ Xuân Hương




11. CHÙA HƯƠNG TÍCH

Bày đặt vì ai khéo khéo vòm
Nứt ra một lỗ hổng hòm hom
Người quen cửa Phật chen chân xọc
Kẻ lạ bầu Tiên mỏi mắt dòm
Giọt nước hữu tình rơi thánh thót
Con thuyền vô trạo cúi lom khom
Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại
Rõ khéo trời già đến dở dom.

Hồ Xuân Hương




12. CON CUA

Em có mai xanh, có yếm vàng,
Ba quân khiêng kiệu, kiệu nghênh ngang.
Xin theo ông Khổng về Ðông Lỗ,
Học thói Bàn Canh nấu chín Thang.

Hồ Xuân Hương




13. VỊNH HANG THÁNH HÓA - CHÙA THẦY

Khen thay con tạo khéo khôn phàm
Một đố giương ra biết mấy ngàm
Sườn đá cỏ leo sờ rậm rạp
Lạch khe nước chảy mó lam nham

Một sư đầu trọc ngồi khua mõ
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am
Đến nơi mới biết rằng Thánh Hóa
Chồn chân mỏi gối hãy còn ham.

Hồ Xuân Hương




14. VỊNH CHỨC NỮ
 
Mới thoạt dàn ra thấy trắng phau
Cái cò cót két suốt đêm thâu
Hai chân dãi thẳng năng năng nhắc
Một cái thoi đưa thoắt thoắt mau
Rộng hẹp dày thưa tùy mặc ý
Ra vào khuôn khổ cũng như nhau
Cô như muốn tốt ngâm cho kỹ
Được nước vò trong mới đậm màu.

Hồ Xuân Hương




15. VỊNH KHUNG CỬI

Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau
Con cò mấp máy suốt đêm thâu
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc
Một suốt đâm ngang thích thích mau
Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả
Ngắn dài khuôn khổ vẫn như nhau
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ
Chờ đến ba thu hãy dãi màu.

Hồ Xuân Hương




16. DU CỔ TỰ

Thầy tớ thong dong dạo cảnh chùa
Cầm thư lưng túi rượu lưng hồ
Cá khe lắng kệ đầu ngơ ngác
Chim núi nghe kinh cổ gật gù
Then cửa từ bi nêm chật cánh
Nén hương tế độ cắm đầy lò
Nhà sư ướm hỏi nhà sư tí
Phúc đức nhà ngươi được mấy bồ.

Hồ Xuân Hương




17. ĐÁ ÔNG CHỒNG, BÀ CHỒNG 
 
Khéo khéo bày trò tạo hóa công,
Ông Chồng đã vậy lại Bà Chồng.
Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc,
Thớt dưới sương pha đượm má hồng.
Gan nghĩa dãi ra cùng chị Nguyệt,
Khối tình cọ mãi với non sông.
Đá kia còn biết xuân già giặn,
Chả trách người ta lúc trẻ trung.

Hồ Xuân Hương




18. VỊNH NÚI ÔNG CHỒNG BÀ CHỒNG   

Trời đất sinh ra khéo lạ lùng
Ông Chồng sao lại có Bà Chồng
Đầu trên tuyết nhuốm phơ râu bạc
Lối dưới sương gieo lõm má hồng
Cột nghĩa vểnh ra phô chị Nguyệt
Mảnh tình khép lại chắn ngang sông
Ô hay hồn đá còn như thế
Chẳng trách người ta lúc trẻ trung.

Hồ Xuân Hương




19. ĐÁNH CỜ

Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Ðốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Ðể đôi ta quyết liệt một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen,
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.
Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Ðem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu,
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà.

Hồ Xuân Hương




20. ĐÁNH ĐU

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông,
Trai co gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá.
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!

Hồ Xuân Hương




---------------------------------------------------------------------------
Hồ Xuân Hương thơ tuyển Phần 1
Hồ Xuân Hương thơ tuyển Phần 2
Hồ Xuân Hương thơ tuyển Phần 3
Hồ Xuân Hương thơ tuyển Phần 4
Chiêu Hổ và Hồ Xuân Hương   

Ghi chú: ảnh Photo: Rose Studio (dưới bài thơ 1, 2, 3, 6, 7, 17 và 18), ảnh Hồ Thùy Linh (dưới bài thơ 4, 8 và 9), ảnh Suối Yến (dẫn vào chùa Hương Tích - dưới bài thơ 11), ảnh lối vào hang Thánh Hóa (dưới bài thơ 13) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :