Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Câu đố dân gian (có chú giải) (3)

Thiếu nữ ngồi áo trắng

CÂU ĐỐ DÂN GIAN (CÓ CHÚ GIẢI) (3)

31. Quê em ở chốn sơn lâm,
Sinh ra em vốn hồng tâm hắc bì,
Đem ra đến chốn kinh kì,
Tìm nơi bạch bố ta thì kết duyên.
Là củ gì?
(Củ nâu)


Sơn lâm: Núi rừng (từ Hán Việt). Cũng nói san lâm hoặc lâm san.
Hồng tâm hắc bì: Ruột đỏ, vỏ đen.
Bạch bố: Tấm vải trắng.


Củ nâu
Nâu: Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

32. Sừng sững mà đứng giữa đường.
Quan đi không tránh lại thường đánh quan
Là cây gì?
(Cây cỏ may)


Cỏ may: Một loại cỏ thân cao, có nhiều hoa nhỏ thành chùm màu tím sậm, hay gãy và mắc vào quần áo (có lẽ vì vậy mà thành tên cỏ may). Cỏ may xuất hiện rất nhiều trong văn thơ nhạc họa.

Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo em
(Hoa cỏ may - Nguyễn Bính)


Cỏ may
33. Mình dài một thước, cổ mọc lông mao
Gặp người quân tử, xỏ ngay vào
Là cây gì?
(Cây cỏ may)


Quân tử: Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.


Thiếu nữ áo trắng


Thiếu nữ áo trắng, nón lá, giơ hai ngòn tay

34. Hai tay với chẳng tới trời,
Nương theo mặt đất ở đời ngổ ngang
Là cây gì?
(Cây cải trời)


Cải trời: Một loại cỏ dại mọc nhiều ven đường và ở các vùng đất hoang hoặc trồng hoa màu. Cải trời có thể dùng làm thức ăn (ăn sống, luộc, xào, nấu canh…) hoặc làm thuốc giúp nhuận tràng, trị bướu cổ.

Cải trời
35. Một chổi mà quét hai hè,
Quét đi quét lại, lại đè lỗ trôn
Là gì?
(Đuôi trâu)

36. Tiểu đầu, lục túc, đại phúc, vô y,
Năng ẩm huyết, bất năng ẩm tửu.
(Đầu nhỏ, sáu chân, bụng to, không áo,
Hay uống máu, không hay uống rượu).
Là con gì?
(Con rận)

37. Mình vàng bận áo cũng vàng,
Chạy ra thăm nàng, rơi xuống hồ sen.
Nhờ nàng, nàng vớt ta lên,
Áo quần cởi hết ta nên mình trần.
Là việc gì?
(Ươm tơ)


Ươm tơ dệt lụa: Quá trình sản xuất tơ lụa từ kén tằm. Kén được luộc trong nước nóng (chừng 80ºC) để tạo chất kết dính, sau đó người ươm tơ dùng đũa se nhiều sợi tơ trong kén lại thành một sợi tơ chỉ, luồn qua bàn kéo sợi, kéo thành từng cuộn. Ở công đoạn này tơ vẫn còn là "tơ sống," rất cứng, phải luộc cho mềm trước khi đưa vào dệt lụa. Nhộng rơi ra sau khi kén hết tơ được vớt lên, dùng làm thức ăn.

38. Lưng eo mà cẳng cào cào,
Đứng dựa bên rào, ôm lấy cái bao
Là con gì?
(Con nhện)


Cào cào: Một loại côn trùng ăn lá, có đầu nhọn (khác với một loại côn trùng tương tự có đầu bằng gọi là châu chấu). Cào cào thường sống ở các ruộng lúa, rau và ăn lá lúa, lá rau, gây thiệt hại tới mùa màng.

Cào cào
39. Lên rừng đốt một đống rơm,
Đuổi tan quân lính, kiếm cơm qua ngày
Là việc gì?
(Đi ăn ong)


Ăn ong: Khai thác mật, sáp và nhộng ong bằng cách đốt bùi nhùi hun khói cho ong bay ra rồi cắt lấy tổ ong. Ở vùng Tây Nam Bộ, nhất là vùng rừng Cà Mau, có những người làm nghề ăn ong, gọi là "thợ ăn ong."


Thợ ăn ong 40. Đi đến đây, gặp nó đấy, lấy được thì lấy
Không lấy được thì để nó đấy mà mang nó về
Là việc gì?
(Giẫm phải gai)


(sưu tầm từ Nguồn: Ca dao Mẹ)

Thiếu nữ  ngồi áo trắng

--------------------------------------------------
Câu đố dân gian (có chú giải) (2) (3) (4)

Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :