Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Kinh nghiệm Giáo viên chủ nhiệm lớp (trích)

Photographer: Lê Xuân Bách. Thiếu nữ áo dài trắng, hoa phượng đỏ

KINH NGHIỆM GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM LỚP 12 - 11 - 10 (trích)

A. Công tác tổ chức lớp:

Trong công tác tổ chức lớp, công tác chọn lựa Ban cán sự lớp là cực kỳ quan trọng nhất. Những năm được phân công chủ nhiệm lớp 12, công việc đầu tiên của tôi là liên hệ với giáo viên chủ nhiệm lớp 10 và lớp 11 của lớp đó. Tôi hỏi rất tỉ mỉ về năng lực, học tập và tính tình của từng em một. Những chi tiết này chỉ có giáo viên chủ nhiệm cũ của các em mới có thể đánh giá một cách chính xác và đầy đủ nhất. Tôi cũng gặp gỡ thêm những giáo viên bộ môn đã từng dạy lớp sắp nhận chủ nhiệm để lắng nghe những đánh giá khác về các em trong Ban cán sự lớp.

 
Photographer: Lê Xuân Bách. Thiếu nữ áo dài trắng, hoa phượng đỏ


Photographer: Lê Xuân Bách. Thiếu nữ áo dài trắng, hoa phượng đỏ

Theo tôi, việc thay đổi cán bộ lớp trong học kì là một điều bất đắc dĩ, sẽ làm xáo trộn lớp đưa đến những hệ lụy ngoài ý muốn. Do đó tôi sẽ cân nhắc kĩ xem là có nên mời tiếp những em này làm cán bộ lớp tiếp hay không? Tôi còn nhớ cách đây bốn năm, khi tôi chủ nhiệm lớp 12A5, biết lớp trưởng là một em nữ rất tích cực và tận tâm với lớp, nhưng khi tôi gặp em thì câu nói đầu tiên của em là xin được từ chức. Tôi phải động viên em rất nhiều và hứa sẽ giảm tải công việc lớp trưởng của em để em có nhiều thời gian học tập hơn. Lúc đó lớp đang khuyết một thủ quỹ, tôi nhờ em đề cử cho một bạn. Sau này hai em lớp trưởng và em thủ quỹ (do lớp trưởng đề cử) trở thành hai cánh tay phải và trái rất đắc lực của tôi. Năm đó lớp 12A5 được Ban Giám Hiệu chọn là một trong ba lớp Toàn Diện xuất sắc nhất trường và nhận được phần thưởng bằng hiện kim của một trường Ngoại ngữ tư nhân tài trợ.

Photographer: Lê Xuân Bách, Nguyễn Đặng Anh Phương áo dài trắng
Photographer: Lê Xuân Bách, Nguyễn Đặng Anh Phương áo dài trắng
Riêng khi chủ nhiệm lớp 10 thì khó khăn hơn, tôi sẽ dò tìm trong sơ yếu lí lịch đầu năm các em nộp, xem em nào đã từng làm cán bộ lớp ở cấp 2 rồi đề cử em đó vào các vị trí thích hợp. Không may cho tôi, năm nay lớp 10A13, không có một em nào đã từng làm cán bộ lớp. Tôi có dọ hỏi thì các em đều nói do không quen biết nhau nên cũng không thể biết để có thể đề cử một bạn nào vào Ban cán sự lớp. Cuối cùng tôi đành phải lựa chọn theo cảm tính. Em lớp trưởng tôi không hài lòng lắm, nhiều gíao viên bộ môn cũng nói với tôi như vậy, nhưng tôi vẫn nhớ câu nói của người xưa “dụng nhân như dụng mộc”, cây gỗ thẳng thì làm cái gì cũng được còn cây gỗ cong nếu khéo léo ta cũng có thể dùng vào việc khác cho phù hợp như làm một khúc lũa trong bể cá thủy sinh, làm trang trí cho một giàn hoa leo thật đẹp trong phòng khách. Thế là tôi chọn phương án “sống chung với lũ”. Tôi vẫn thường khen những mặt tích cực của em lớp trưởng nhưng đồng thời cũng phê phán nghiêm khắc những thói hư tật xấu của em như tính hời hợt, nói năng hay cà khịa với giáo viên…

Để điều hành lớp tốt tôi thường dựa vào Ban cán sự lớp. Đối với tôi Ban cán sự lớp phải gọn nhẹ, thường chỉ có bốn em: Lớp trưởng, Lớp phó học tập, Lớp phó thủ quỹ, Bí thư lớp (do các em đoàn viên tổ chức bầu cử chọn đưa lên) kiêm Lớp phó phong trào do tôi chỉ định. Lớp thường chia thành bốn tổ với bốn tổ trưởng là do các học sinh trong tổ tự bầu ra. Còn những việc linh tinh khác của lớp như thi văn nghệ, làm báo tường, thi thể thao bóng đá, nhảy Flashmob… thì tôi cho các em tự bầu ra thủ lĩnh để cùng làm việc, cùng tự tập luyện với nhau. Như vậy Cán bộ lớp chính thức chỉ có bốn em, còn những em có năng khiếu khác có thể tham gia làm thủ lĩnh trong từng thời điểm, từng thời gian thích hợp khi có phong trào của nhà trường đưa ra.


Photographer: Lê Xuân Bách. Thiếu nữ áo dài trắng, hoa phượng đỏ

Photographer: Lê Xuân Bách. Thiếu nữ áo dài trắng, hoa phượng đỏ

B. Dùng công nghệ 4.0 để liên lạc thường xuyên với Phụ huynh:

Sau bao nhiêu năm làm Giáo viên chủ nhiệm, tôi nghiệm ra một điều là có rất nhiều phụ huynh rất quan tâm đến tình hình học tập của con em mình. Do đó, sau khi biết được số điện thoại của các phụ huynh học sinh, tôi liền lên Viber lập ra một group dành riêng cho các Phụ huynh để tiện việc trao đổi với nhau. Đồng thời trên Facebook tôi cũng lập ra một group riêng dành cho các em học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Sau đó tôi lần lượt gởi lời mời từng thành viên vào các nhóm mình đã lập ra.

Trên quan điểm ba chủ thể có thể tương tác với nhau: Chủ thể thứ nhất là Giáo viên chủ nhiệm, chủ thể thứ hai là Phụ huynh học sinh và chủ thể thứ ba là Học sinh sẽ cùng biết những gì đáng biết và cùng lo những gì đáng lo. Trên Facebook tôi và các học sinh cùng trao đổi những vấn đề liên quan có liên quan đến lớp học. Còn trên Viber tôi sẽ dễ dàng thông báo những tin tức của nhà trường và nhận lại những cảm xúc của các phụ huynh. Đơn cử như trường hợp khi các em tham gia phong trào thi nhảy Flashmob do Đoàn trường tổ chức, các em có xin tôi chi ba triệu tiền quỹ lớp để mướn đạo diễn tập dượt và làm trang phục. Tôi không dám tự quyết nên vào Viber  xin ý kiến của các phụ huynh. Sau khi họ đồng ý tôi mới dám mạnh dạn chi và cảm thấy vui vì cùng vui chung với cái vui của các phụ huynh lớp 10A13. Ngược lại khi bán vé văn nghệ Mùa xuân cho nhà trường, do lúc đầu không có một em nào mua được một vé, có một học sinh trong lớp hiến kế là nên giảm giá vé rồi dùng tiền quỹ lớp bù lỗ vào. Tôi nêu ý kiến đó lên Viber, có hai phụ huynh không đồng ý dùng tiền quỹ lớp để chi, thế là tôi rút ngay lại phương án trên. Cũng may là nhờ có Viber, nếu không sau này tôi có thể sẽ gặp rắc rối vì sẽ bị các phụ huynh trên thưa kiện.


Photographer: Lê Xuân Bách. Thiếu nữ áo dài trắng, hoa phượng đỏ

Photographer: Lê Xuân Bách. Thiếu nữ áo dài trắng, hoa phượng đỏ

Group Phụ huynh trên Viber ngoài việc giúp tôi nắm bắt nhanh được những suy nghĩ trái chiều của phụ huynh, Viber còn giúp tôi hiểu được rất nhiều những nhận thức lệch lạc của phụ huynh mà người giáo viên chủ nhiệm như tôi cần phải có nhiều thời gian kiên trì giải thích . Ví dụ như cho đến bây giờ nhiều phụ huynh vẫn còn cho rằng khi con họ nghỉ học chỉ cần xin phép giáo viên chủ nhiệm là đủ. Lần nào cũng vậy, trên Viber tôi hầu như vừa giải thích vừa năn nỉ vị phụ huynh đó hãy cố gắng vào trường xin phép ở Phòng giám thị, giáo viên chủ nhiệm không có quyền trong vấn đề này, quyền quyết định cho nghỉ phép hay không hoàn toàn là của giám thị. Xin phụ huynh đừng để con em mình nghỉ học không phép từ ba lần trở lên sẽ bị hạ bậc đạo đức và bị ghi vào học bạ là nghỉ học không phép sẽ rất oan uổng cho em.

Photographer: Lê Xuân Bách, Nguyễn Đặng Anh Phương áo dài trắng
Photographer: Lê Xuân Bách, Nguyễn Đặng Anh Phương áo dài trắng
Một vấn nạn khác mà nhiều giáo viên chủ nhiệm nói riêng và các giáo viên bộ môn nói chung rất bức xúc đó là việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Lớp tôi có một em vi phạm, tôi liền gởi tin nhắn riêng cho phụ huynh đó để cảnh báo. Phụ huynh đó trả lời trên Viber với những từ khó nghe như “Sử dụng điện thoại trong lớp có gì đâu mà thầy nhắc nhở có vẻ “quá đáng” đến như vậy?”. Thế là tôi lại phải kiên nhẫn giải thích: Đây là lệnh cấm của Bộ Giáo dục – Đào tạo,  đầu niên học giáo viên chủ nhiệm khi gặp lớp đã có đọc nội quy cho các em nghe, khi họp phụ huynh đầu niên học giáo viên chủ nhiệm cũng đã thông báo cho các phụ huynh nắm bắt, mỗi tuần giờ chào cờ Ban Giám hiệu cũng đều có nhắc nhở về vấn đề này… nên vi phạm của em học sinh đó không phải là không biết mà là cố tình vi phạm.

Nói chung lập group riêng để các phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm cùng giao lưu theo tôi là rất cần thiết và thú vị. Tuy nhiên khi giao lưu qua Viber như vậy, đó cũng là một con dao hai lưỡi, nó đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm phải có bản lĩnh. Nếu không đủ bản lĩnh làm chủ diễn đàn Viber, người giáo viên chủ nhiệm sẽ dễ bị tác dụng ngược, sẽ bị phản tác dụng ngay.


Photographer: Lê Xuân Bách. Thiếu nữ áo dài trắng, hoa phượng đỏ

Photographer: Lê Xuân Bách. Thiếu nữ áo dài trắng, hoa phượng đỏ

C. Quy điểm Thi đua về những con số:

Học tập đang ở mức độ nào, chỉ cần báo điểm là Phụ huynh có thể dễ dàng nhận ra được ngay, Giỏi – Khá – Trung Bình hay Yếu,  vì nó được báo về cho Phụ huynh bằng những con số tượng trưng cho điểm rất cụ thể.

Vi phạm nội quy nhà trường của mỗi em học sinh trong tuần cũng được Phòng giám thị báo về cho phụ huynh rất đầy đủ. Nhưng tôi xin nói thật các phụ huynh cũng chỉ đọc qua tin nhắn rồi thôi, ít ai quan tâm là con em của mình vi phạm lỗi nặng hay nhẹ và có ảnh hưởng gì đến đánh giá đạo đức như thế nào sau này ở các Học kì?

Photographer: Lê Xuân Bách, Nguyễn Đặng Anh Phương áo dài trắng
Photographer: Lê Xuân Bách, Nguyễn Đặng Anh Phương áo dài trắng
Để giúp cho các phụ huynh dễ hình dung hơn, tôi quy hiện trạng đạo đức của các em về những con số của điểm thi đua. Ví dụ những lỗi nặng như tô son môi, trang phục sai quy định, giày sai quy định, sử dụng điện thoại trong giờ học… tôi trừ các em 20 điểm mỗi lần vi phạm. Các lỗi khác bị ghi trong sổ đầu bài như quên mang tập, không thuộc bài, không làm bài… tôi trừ từ 5 đến 15 điểm. Có công thì tôi cộng điểm vào, có lỗi thì tôi trừ đi. Mỗi tuần tôi đều báo về điểm thi đua hiện tại cho các phụ huynh. Các phụ huynh nhìn vào điểm có thể biết con của mình đang ở mức dự kiến đạo đức loại gì.

Tôi quy ước mỗi em lúc đầu đều có 100 điểm thi đua, nếu lên được 120 điểm trở đi là chắc chắn đạo đức Tốt. Từ 100 điểm đến 120 điểm nằm trong phạm vi đạo đức có thể Tốt hoặc Khá. Từ 80 điểm đến 100 điểm là đạo đức Khá. Dưới 80 điểm là đạo đức Trung Bình.

Photographer: Lê Xuân Bách, Nguyễn Đặng Anh Phương áo dài trắng
Photographer: Lê Xuân Bách, Nguyễn Đặng Anh Phương áo dài trắng
Tôi đánh giá đạo đức một học sinh theo hai tiêu chí công và tội. Những lần giáo viên chủ nhiệm “nhờ vả” các em như đi tiếp phụ huynh trong các buổi họp, đi làm vệ sinh lớp, làm công tác lớp, chọn các em viết chữ đẹp làm sổ sách, tham gia phong trào… đều có cộng điểm thi đua. Song song với việc trao đổi điểm thi đua với các phụ huynh qua Viber, tôi cũng trao đổi thêm về học tập, qua đó có thể thanh minh giùm cho các giáo viên bộ môn bị những phụ huynh do quá bênh con nên hiểu nhầm. Tôi thường thông báo thêm ngày giờ các em sẽ kiểm tra chung ở trường và thời gian thông báo kết quả điểm học tập về cho các phụ huynh biết, để họ có sự chuẩn bị tốt nhất cho con em của họ. Giữa đạo đức và học tập, tôi cũng luôn theo xu hướng chung hiện nay là lấy học tập làm gốc. Cuối học kì tôi cộng 30 điểm thi đua cho các em đạt Học Sinh Giỏi, cộng 20 điểm thi đua cho các em đạt Học Sinh Khá nhằm khuyến học nên hầu như không một em nào bị điểm thi đua thấp. Và để phong phú thêm cách đánh giá đạo đức học sinh tôi cũng có nói rất rõ điểm thi đua trong lớp chỉ là dự kiến, là một phương án để tham khảo. Để xét đạo đức vẫn còn phải phụ thuộc rất nhiều vào sự đánh giá của Ban Giám hiệu, của giám thị và Hội đồng thi đua nhà trường.

2020

Nguyễn Văn Tạo - GV trường THPT Võ Thị Sáu


Hoa phượng đỏ, bút và vở

--------------------------------------------------
Ghi chú: Chùm ảnh Photographer: Lê Xuân Bách (1,2,3,4,5,6,7,8,9,11,12,13,14,15,16 và 17 - Thiếu nữ áo dài trắng, hoa phượng đỏ) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :