Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Tục ngữ - Thành ngữ (có chú giải) (3)

Duyên dáng Bến Tre của tác Nguyễn Bách Thảo

TỤC NGỮ - THÀNH NGỮ (CÓ CHÚ GIẢI) (3)

21. Ban ngày cả nước lo việc nhà,
Ban đêm cả nhà lo việc nước.

 
Mô tả hài hước tình trạng mất nước thường xuyên ở thành phố vào thời bao cấp: nhà nhà phải đợi đến khuya để thay phiên nhau hứng nước.

22. Ăn đại táo, ở đại gia, đi đại xa, làm đại khái.

Ăn ở bếp ăn tập thể (đại táo), ở nhà tập thể (đại gia), đi tàu điện (đại xa), làm việc qua loa (đại khái). Câu này mô tả hài hước cuộc sống của cán bộ công nhân viên chức dưới thời bao cấp.

23. Cứng như mo nang,
Nhọn ngang tên lửa.

 
Mo nang: Lớp bẹ ôm bên ngoài của măng tre. Khi măng tre lớn lên phát triển thành cây tre thì các bẹ này tách dần ra khỏi thân và khô, gọi là mo nang. Ở các vùng quê, mo nang thường được thu nhặt làm củi đốt.

Cứng như mo nang, nhọn ngang tên lửa: Mô tả hài hước áo nịt ngực (coóc-xê) của phụ nữ thời bao cấp. Lúc ấy áo lót có kiểu nhọn, được may ở các hiệu may, độn nhiều vải cho cứng. 


Tập kết dừa trên bến sông Thơm của tác giả Nguyễn Minh Tân


Đón nắng của tác giả Nguyễn Mạnh Hà

24. Miếng thịt nó bịt cái mồm.

25. Cho ngày nay, cho ngày mai, cho hai ngày sau.


Nhại khẩu hiệu "Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau," mô tả tình trạng chạy ăn từng bữa dưới thời bao cấp.

26. Trai chê vợ, mất của tay không,
Gái chê chồng, một đồng thành bốn.

27. Giỏi đan long mốt,
Dốt đan long hai.

(Dị bản)
Thông đan lồng mốt,
 Dốt đan lồng hai.

 
Lồng mốt, lồng hai: Có nơi gọi là "long mốt, long hai," hai kiểu đan nan tre hoặc mây. "Lồng mốt" hay "lồng một" là cách đan lồng từng sợi nan lẻ, dùng để đan các loại rổ rá thưa, lớn. Lồng hai (còn gọi là lồng đôi) là cách đan lồng từng cặp sợi nan, để đan rổ nhỏ, nan khít. Đan lồng mốt đòi hỏi kĩ thuật cao hơn đan lồng hai.


Đan lồng mốt (trái) và lồng hai

28. Trâu ho bằng bò rống.

29. Cơm đồ, nhà gác
Nước vác, lợn thui
Ngày lùi, tháng tới
Quần một ống, áo tầy gang
Trâu gõ mõ, chó leo thang.

(Dị bản)
Trâu đeo mõ, chó leo thang.


Đồ: Nấu bằng cấp hấp (cơm hoặc xôi) trong chõ cho chín bằng sức nóng của hơi nước.

Cơm đồ
Nhà sàn: Nhà có sàn để ở, làm ở lưng chừng cột, cách mặt đất (hoặc mặt nước) một khoảng, thường thấy ở miền rừng núi hay trên các mặt hồ rộng.

Nhà sàn của người Ê - đê
Lịch Đoi: Cũng gọi là lịch tre hoặc lịch đá, một loại lịch cổ của người Mường. Lịch được đặt tên theo sao Đoi, cách người Mường gọi sao Thần Nông. Lịch Đoi gồm 12 thanh tre, mỗi thanh chỉ một tháng trong năm. Trên mỗi thanh khắc 30 vạch, mỗi vạch chỉ một ngày. So với dương lịch, lịch có ngày lùi 1, tháng tiến 3 (ví dụ ngày 9/10/2017 dương lịch trùng với ngày 8/1/2018) nên thường gọi là "ngày lui tháng tới." Lịch Đoi ngày nay hầu như chỉ được dùng trong các nghi thức tính ngưỡng.

Lịch Đoi
Tày: Bằng (từ cổ).

Mõ trâu: Một loại mõ đeo cho trâu bò ở các vùng rừng núi để dễ tìm kiếm. Mõ trâu thường là một khúc gỗ hoặc ống tre bịt hai đầu, trong treo vài khúc gỗ hoặc tre nhỏ, khi lắc qua lại những khúc này va vào thành mõ gây ra tiếng động.

Trâu đeo mõ
Câu thành ngữ trên có ý mô tả cuộc sống và văn hóa của dân tộc Mường.

30. Để lâu cứt trâu hóa bùn

(Dị bản)
Cứt trâu để lâu hóa bùn.


(sưu tầm từ Nguồn: Ca dao Mẹ)

Sản phẩm từ quê dừa của tác giả Nguyễn Thanh Hùng

--------------------------------------------------
Tục ngữ - Thành ngữ (có chú giải) (2) (3) (4)

Ghi chú: ảnh Duyên dáng Bến Tre của tác Nguyễn Bách Thảo (ảnh 1), Tập kết dừa trên bến sông Thơm của tác giả Nguyễn Minh Tân (ảnh 2), Đón nắng của tác giả Nguyễn Mạnh Hà (ảnh 3) và Sản phẩm từ quê dừa của tác giả Nguyễn Thanh Hùng (ảnh 4) sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :