Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Điển tích "Đề Oanh", "Lý Ký" trong truyện Kiều
ĐIỂN TÍCH "ĐỀ OANH", "LÝ KÝ" TRONG TRUYỆN KIỀU
Trong tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, tới đoạn Kiều gặp gia biến: bọn sai nha xông vào nhà, đóng gông, bắt trói cha già và em trai của Thúy Kiều.
"Già giang một lão một trai,
Một dây vô lại buộc hai thâm tình"
Cũng may Kiều được viên thừa lại họ Chung bày cho việc lo lót để chuộc cha. Nàng đành nghe theo lời mai mối mà cưới Mã Giám Sinh chỉ với 400 lạng vàng. Lúc được cứu ra, Vương ông nào có vui mừng mà chỉ thấy đau đớn, xót xa, bởi cha mẹ nào mà chẳng muốn...
"Nuôi con những ước về sau,
Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi."
Để cản cha già nghĩ quẩn, Kiều đã giãi bày:
"Vẻ chi một mảnh hồng nhan,
Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành.
Dâng thư đã thẹn nàng Oanh,
Lại thua ả Lý bán mình hay sao?"
4 câu thơ này có dùng 2 điển tích, là "nàng Oanh" và "ả Lý".
Nàng Oanh là chỉ nàng Đề Oanh đời Hán. Hình Pháp Chí trong Hán Thư chép:
“Hán Văn Đế năm thứ 13 [TCN 167], viên quan Thái Thương đất Tề [Sơn Đông] Thuần Vu công mắc vào tội hình, chiếu lệnh đem vào ngục tại kinh đô Trường An. Thuần Vu công không có con trai, chỉ có 5 cô con gái mà thôi. Lúc sắp bị bắt đem đi, công la mắng mấy cô con gái rằng:
"Sinh con không có con trai, lúc gặp việc gấp, nào có ích gì"
Người con gái út tên là Đề Oanh, thương cảm khóc lóc, theo cha đến tận kinh đô, dâng thư lên Vua rằng:
"Cha thiếp làm quan, người đất Tề đều khen là thanh liêm công bình; nay vướng vào pháp luật bị tội hình. Thiếp đau buồn vì cha chết không thể sống lại, nếu bị hình phạt không thể nguyên vẹn cơ thể như cũ; tuy sau đó muốn tự sửa đổi sai lầm cũng không còn đường nữa. Nay thiếp tình nguyện làm nô tỳ nhà quan, để chuộc tội hình, ngõ hầu cha có cơ hội tự đổi mới."
Hán Văn Đế cảm động xuống chiếu tha cho cha nàng, còn viết: "...hình phạt gây đau khổ, thực thiếu đức; bắt tội như vậy có xứng đáng làm cha mẹ dân không?"
Ả Lý chỉ nàng Lý Ký. Theo Đường dại tùng thư: Lý Ký, đời đường nhà nghèo, tự nguyện bán mình cho người làng đem cúng thần rắn, để lấy tiền nuôi cha mẹ. Về sau nàng chém chết thần rắn, rồi lấy vua Việt vương.
Như vậy, mấy câu này Kiều mượn tích xưa để nói rằng mình chưa phụng dưỡng cha ngày nào mà nay để cha chịu khổ thì thấy hổ thẹn với tấm gương nàng Đề Oanh, nàng Lý Ký đời xưa.
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Long Ng và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Nhãn:
Ban tron van nghe
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét