Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020
Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Cai Hạ ca
CAI HẠ CA
"Cai Hạ Ca" là bài từ tuyệt mệnh mà Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ (232 TCN - 202 TCN) đã ngâm ngay đêm trước khi thất bại và tự vẫn bên dòng Ô Giang.
Chỉ mấy câu thơ mà thâu tóm cả sự nghiệp và khí phách oai hùng của Hạng Vũ, đồng thời lại thể hiện niềm ai oán và bất lực giữa vòng vây của Hán quân. Chu Hi đời Tống, trong “Sở từ tập chú” đã nhận xét: “Khí thế hào hùng, mãnh liệt, mang nỗi uất ức nghìn năm chưa tan."
Theo ghi chép trong Sử ký của Tư Mã Thiên, quyển "Hạng Vũ Bản Kỷ," viết:
"Hạng Vương đóng quân ở trong thành Cai Hạ, binh ít, lương hết! Quân Hán và quân chư hầu bổ vây mấy vòng. Đang đêm, Hạng Vương nghe quân Hán ở bốn mặt đều hát giọng Sở, Hạng Vương liền kinh hoảng nói:
- Hán đã lấy được Sở rồi sao? Sao mà người Sở đông như thế?
Đang đêm Hạng Vương thức dậy, uống rượu trong trướng. Có mỹ nhân thường đi theo tên là Ngu, có con ngựa thường cưỡi tên là Chuy, Hạng Vương đau đớn, cảm khái làm bài thơ:
"Lực bạt sơn hề khí cái thế,
Thời bất lợi hề Chuy bất thệ.
Chuy bất thệ hề khả nại hà,
Ngu hề Ngu hề nại nhược hà?"
Dịch nghĩa:
Sức mạnh có thể nhổ núi, khí phách có thể át cả đời, nhưng vận thời không thuận, chiến mã (Ô Chuy) cũng chẳng thể phi nhanh.
Chiến mã không thể phi nhanh thì biết làm sao? Ngu Cơ ơi Ngu Cơ, ta biết phải sắp xếp cho nàng thế nào đây?
Hạng Vương ca mấy lần, mỹ nhân hoạ theo (sau lúc hát, Ngu Cơ tự sát). Hạng Vương khóc chảy nước mắt! Tả hữu đều khóc, không ai có thể ngẩng đầu lên nhìn!"
Cai (垓) : Tên địa danh cổ, nằm ở phía nam huyện Linh Bích, tỉnh An Huy ngày nay.
Hề (兮): Trợ từ trong văn chương, thường dùng trong các bài ca thời xưa, tương đương với “a” hoặc “nhé” trong tiếng Hán hiện đại.
Chuy (骓): Chỉ con ngựa hiếm của Hạng Vũ tên là Ô Chuy.
Ngu (虞): Chỉ Ngu Cơ.
Cả bài thơ là một nét bút họa lại cuộc đời của Hạng Vũ, mà ngay trong câu thơ đầu tiên đã dựng lại hình tượng anh hùng vô song mà ông luôn truy cầu.
"Lực bạt sơn hề khí cái thế,"
HẠNG TỊCH, người ở đất Hạ Tương, tên tự là Vũ. Khi khởi nghĩa (209 trước Công nguyên), Tịch hai mươi bốn tuổi. Lúc còn nhỏ, Tịch học chữ, học chẳng nên, bỏ đi học kiếm thuật, cũng chẳng nên. Hạng Lương nổi giận. Tịch nói: Biết chữ chỉ để đủ viết tên họ mà thôi. Kiếm chỉ đánh lại một người, không bỏ công học. Nên học cái đánh lại được vạn người! Hạng Lương bèn dạy cho Tịch binh pháp.
Trong văn hóa cổ đại Trung Quốc, "khí" không chỉ là năng lực bẩm sinh của con người mà còn phải được nuôi dưỡng qua rèn luyện; nhân phẩm, năng lực, phong thái của một người đều phụ thuộc vào "khí". Cho nên"Khí cái thế" có nghĩa là phẩm chất vượt trội hơn bất kỳ ai khác - thể hiện cái cao ngạo của Hạng Vũ, thứ mà Sở Bá Vương đã thật sự giành được qua những chiến công lẫy lừng của mình - diệt nhà Tần, đuổi Lưu Bang, gần như đã quy giang sơn về một cõi.
"Lực bạt sơn" càng tạo nên một hiệu ứng cụ thể và sinh động, nhờ đó anh hùng này hiện lên với khí thế oai phong, lẫm liệt qua sự kết hợp giữa tả thực và ẩn dụ.
Thế nhưng, ở câu thứ hai và ba, người anh hùng vô song ấy bỗng trở nên yếu đuối, bất lực.
Thời bất lợi hề Chuy bất thệ.
Chuy bất thệ hề khả nại hà
Do thời vận không thuận mà chiến mã Ô Chuy không thể tiến bước, đẩy ông vào cảnh thất bại không thể thoát ra, chỉ còn biết thốt lên “phải làm sao”.
Chiến tích của Hạng Vũ từ xưa đến nay đều là gây dựng trên lưng Ô Chuy; nói cách khác, ông gần như một mình một ngựa tung hoành thiên hạ. Điều này cũng có nghĩa rằng chỉ cần sức mạnh của ông thì bất kỳ sự trợ giúp nào cũng không quá ý nghĩa, không ai xứng đáng là đồng đội chính của ông – một sự kiêu hãnh không ai sánh kịp, có thể nói là "thượng thiên, hạ địa duy ngã độc tôn".
Tuy nhiên, dù con người có dũng cảm vô song đến đâu, mà mệnh trời không cho phép thì cũng phải thất bại. Trước sức mạnh huyền bí của “thiên mệnh", con người thật nhỏ bé.
Hạng Vũ biết cái kết của mình đã không thể tránh khỏi, sự nghiệp sắp tan thành mây khói. Điều duy nhất khiến ông lo lắng là tương lai của người đẹp mà ông hằng yêu thương, người luôn sát cánh cùng ông trong những cuộc chinh chiến – nàng Ngu Cơ; bởi sau khi ông chết, số phận của Ngu Cơ chắc chắn sẽ vô cùng bi thảm.
“Ngu hề Ngu hề nại nhược hà?”
Đây là tiếng than thở của Hạng Vũ khi đối diện với tuyệt cảnh, câu ngắn ngủi này chất chứa tình yêu vô bờ bến của một mối tình khắc cốt ghi tâm.
Truyện chép rằng Ngu Cơ cũng đau buồn, rơi lệ, đứng dậy múa kiếm, vừa múa vừa hát: “Hán binh đã lấn đất, bốn phương tiếng Sở ai oán. Chí khí của đại vương đã cạn, thân thiếp biết sống ra sao?” Sau khi hát xong, nàng tự vẫn.
-
Bài ca này cũng được chép trong Hán thư, phần Hạng Tịch truyện, sau này được Quách Mậu Thiến đưa vào Nhạc phủ thi tập với tên Lực bạt sơn tháo (力拔山操).
(Góc Nhỏ Văn Thơ)
-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Nguyễn Văn Bắc và ảnh minh họa sưu tầm từ internet./
Nhãn:
Ban tron van nghe
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét