Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2018

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Thanh minh

Góc Nhỏ Văn Thơ


THANH MINH

"Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn.
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu?
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn."

(Thanh minh lất phất mưa phùn
Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa
Hỏi thăm quán rượu đâu à?
Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài.) - Đỗ Mục


Thiếu nữ áo đầm trắng



Thiếu nữ áo dài


"Thanh minh" là tên một tiết khí trong 24 tiết khí của Nông lịch phương Đông. Chữ này có gốc từ chữ Hán 清明.

Thanh (清) nghĩa là "sạch sẽ", "trong lành" - cũng là chữ "thanh" trong "thanh lọc", "thanh khiết". Còn Minh (明) mang nghĩa "tươi sáng", ghép từ chữ Nhật và chữ Nguyệt. Tiết thanh minh bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4, khi xuân phân kết thúc và kéo dài đến ngày 20 hay 21 tháng 4 lúc cốc vũ bắt đầu.

Sách Hoài Nam Tử viết: “Sau xuân phân mười lăm ngày, Bắc Đẩu hướng Ất, thì gió thanh minh (Thanh minh phong) tới". Thanh minh phong là gió trong lành, thanh mát, khiến lòng người nhẹ nhàng khoan khoái.

Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) giảng: “thanh-minh • Tiết mùa xuân, khí trời mát-mẻ trong-trẻo, người ta đi tảo-mộ". Nếu theo mấy câu Kiều ta từng quen thuộc, thì Thanh minh gắn liền với hai việc: tảo mộ và đạp thanh.

Tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau tảo mộ vốn phổ biến tại các nước đồng văn Trung Hoa, vì tháng 3 trời ấm lên, cỏ mọc nhiều, không khí quang đãng. Người ở xa trở về quây quần bên mâm cơm gia đình, người nhà dọn dẹp sạch sẽ mồ mả, làm quang cỏ dại, vun thêm đất mới. Với con cháu, đặc biệt là còn nhỏ tuổi, thì lúc tảo mộ sẽ biết dần những ngôi mộ của gia tiên, tập cho chúng kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những ngôi mộ hoang, không người thân cũng được nhận một nén nhang.

Hán ngữ đại từ điển dẫn ngữ liệu: “tiết Thanh Minh đi tảo mộ, tuy không đốt tiền giấy, nhưng có thể giúp con cháu làm quen với việc cung kính lễ bái, mặc niệm tiền nhân”.

Ngày nay ở Việt Nam, việc tảo mộ thường thực hiện trước Tết, cùng lúc gia đình dọn dẹp nhà cửa đón Tết cũng tranh thủ ra mồ mả ông bà dọn dẹp, sửa sang cho gọn gàng. Trong mấy ngày Tết hoặc sau Tết gia đình cũng tề tựu đông đủ mà đến thăm viếng mộ. Theo tiến sĩ Trần Long, Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), tục tảo mộ lúc thanh minh chỉ còn ở các tỉnh phía Bắc vào tới đèo Hải Vân, cùng một số ít gia đình ở miền Nam.

"Nhất tòng luân lạc tha hương khứ,
Khuất chỉ thanh minh kỷ độ qua."
(Kể từ khi lưu lạc ra làng khác.
Đếm đốt ngón tay thanh minh đã qua mấy lần.) - Nguyễn Trãi

Còn về Đạp thanh, Hán điển giảng: “đạp thanh: ngày xuân cùng đi dã ngoại. Thời xưa, tập tục Đạp Thanh không giống nhau, mà có sự khác biệt về thời gian diễn ra. Về sau, đa số lấy mốc thời gian trước và sau tiết Thanh Minh làm hội Đạp Thanh, nên tiết Thanh Minh còn gọi là tiết Đạp Thanh."

"Tết mồng ba, ông Cử Hai đã trốn khỏi nhà trọ từ hôm trước để đi ăn hàn thực và đi hội đạp thanh với các bạn sính làm thơ tức cảnh" (Nguyễn Tuân)


Thiếu nữ áo dài vàng ngồi xích lô

Thiếu nữ xinh


Đào Duy Anh giải nghĩa: "“đạp thanh: xéo trên cỏ xanh. Hội đạp thanh tức là hội chơi xuân, người ta ra đồng chơi xuân, dẫm trên cỏ xanh." Ở Việt Nam không còn hội Đạp thanh, còn ở Trung Quốc có lẽ vẫn còn, tôi cũng không chắc rõ. Ta cũng dùng chữ đạp thanh này xem như là việc đi chơi vào mùa lễ hội.

Nhiều người thường nhầm tết Hàn Thực và tiết Thanh Minh. Tết Hàn thực diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch, mà lịch âm - dương thường lệch nhau 1 tháng nên nhiều khi hai dịp diễn ra cùng lúc. Tết Hàn Thực ở Việt Nam có tục làm bánh trôi, bánh chay cũng để tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Nhiều nơi xem hai dịp lễ tết này là một. Cần lưu ý rằng tuy cả hai đều xuất phát từ phong tục Trung Hoa, nhưng du nhập vào Việt Nam đã thay đổi bản chất khá nhiều, do đó khó lòng lấy tham chiếu ở nước bạn mà so sánh.

"Hàn thực, hoa gian, thiên thụ tuyết,
Thanh minh, nhật xuất, vạn gia yên."
(Tuyết lẫn ngàn cây ngày Hàn thực,
Khói tuôn vạn nóc, sớm thanh minh.)

(Góc Nhỏ Văn Thơ)


Thiếu nữ áo yếm xanh lá


--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :