Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Trang Góc Nhỏ Văn Thơ - Buồn trông - Truyện Kiều - Nguyễn Du

Góc Nhỏ Văn Thơ


BUỒN TRÔNG - TRUYỆN KIỀU - NGUYỄN DU

Thời Tam Quốc, Tào Tháo (155-220) cho xây một đài lớn tên là Đồng Tước bên sông Chương Hà tỉnh Hà Nam. Đài này tráng lệ xa hoa, trang hoàng lộng lẫy.

Lúc Khổng Minh du thuyết Đông Ngô để liên minh chống Tào, liền bảo Tào Tháo muốn đánh hạ Đông Ngô xong sẽ bắt hai nàng Tiểu Kiều (vợ của Chu Du) và Đại Kiều (vợ của Tôn Sách) về để trong Đồng Tước đài mà vui giấc hồi xuân. Tất nhiên chuyện này đã không diễn ra, vì liên minh Thục - Ngô đã đánh bại Tào A Man trên sông Xích Bích.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng dựng nên một "Đồng Tước Đài" khác - lầu Ngưng Bích. Nếu Đồng Tước Đài không thể khóa xuân hai Kiều, thì lầu Ngưng Bích lại đã thành công chôn đi tuổi xuân của Vương Thúy Kiều.

"Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng."


Photo by Nguyễn Hùng



Photo by Nguyễn Hùng


Ta không biết Đại Kiều, Tiểu Kiều nếu thực về đến đài Đồng Tước sẽ đau khổ đến thế nào. Nhưng ta lại rất rõ nỗi u sầu của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích thông qua mấy câu thơ dường như chỉ dùng để tả cảnh:

"...Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác, biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi."

Đây có thể xem là những vầng thơ có sức ám ảnh nhất về “nỗi lòng tê tái” của Kiều trong những ngày bắt đầu kiếp đoạn trường, là một trong những ví dụ tiêu biểu cho bút pháp "tả cảnh ngụ tình" của Nguyễn Du.

“Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn”
( Chế Lan Viên)

(Góc Nhỏ Văn Thơ)


Photo by Nguyễn Hùng


-----------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Photo by Nguyễn Hùng và ảnh minh họa sưu tầm từ internet.

Không có nhận xét nào :