Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Truyện ngắn mini: Điện thoại lúc nửa đêm



ĐIỆN THOẠI LÚC NỬA ĐÊM
           Tưởng nhớ cô Lê Minh Phụng, giáo viên Sử trường THPT Võ Thị Sáu
Quốc lộ 1A bị kẹt xe nghiêm trọng. Đến gần nửa đêm xe mới vào được ngoại vi thành phố. Cô Phụng và các hành khách trên xe đều mỏi mệt. Chợt điện thoại di động reng:


- Em là Hạnh nè cô! Cô ghé nhà em gấp nghen cô. Sáng mai em phải đi xa rồi!

- Em ra nước ngoài hả? Alô, alô?

Điện thoại bị đứt kết nối chỉ còn vang những tiếng tít tít… Cô Phụng cố gọi cho Hạnh nhiều lần nhưng đều không được. Cả tuần nay cô phải về quê lo tang của mẹ. Nhà của mẹ cô Phụng ở giữa một cồn vùng sâu, không có sóng điện thoại, nên cô hầu như không liên lạc được với ai.

Hạnh là học sinh cá biệt trong lớp cô chủ nhiệm. Em luôn lầm lì ít nói và thường xuyên không thuộc bài, không làm bài trong lớp. Cô rất đau đầu vì luôn bị các giáo viên bộ môn than phiền, trách móc về Hạnh. 





Một lần cô Phụng nhìn thấy Hạnh ngồi một mình trong lớp nhưng nước mắt cứ tự trào ra, nét mặt vô cùng đau đớn, cô rất ngạc nhiên. Qua nhiều lần gặp gỡ gia đình Hạnh, cô được biết Hạnh bị bệnh nan y rất nặng. Không muốn nằm ở nhà chờ chết, Hạnh đề nghị gia đình cho em đi học để được vào lớp tiếp xúc với bạn bè cho khuây khỏa.

Từ đó cô Phụng thường đưa đón Hạnh đi học. Thỉnh thoảng cô lại cùng Hạnh đến thăm các bé mồ côi, các bé bị khiếm thị, các bé bị chất độc màu da cam tại các làng trẻ em. Nhiều lần Hạnh cùng cô Phụng ôm các bé mà khóc.

Gia đình Hạnh rất giàu, Hạnh thường tặng cho cô Phụng các món quà rất đắt tiền nhưng cô đều không nhận. Cô nói, cô chỉ muốn Hạnh tặng cho cô món quà quý nhất đó là kết quả học tập của Hạnh. Hạnh cười:

- Em sắp chết mà cô!

Cô Phụng lẳng lặng viết vào quyển nhật ký của Hạnh dòng chữ “Sống là cho và chết cũng là cho” (Thơ Tố Hữu) . Hạnh thích câu thơ này lắm. Từ đó Hạnh thay đổi khá nhiều, không buông xuôi nữa, em lo chú ý học tập nhiều hơn. Cô Phụng rất mừng…





Đến nhà Hạnh, cô Phụng vô cùng bàng hoàng khi thấy giữa nhà là quan tài nghi ngút khói có ảnh của Hạnh, và đặt cạnh di ảnh là tấm giấy khen Học sinh Khá được lộng kiếng trang trọng mà Hạnh vừa mới lãnh được trong những ngày cô vắng mặt ở trường. Mẹ Hạnh khóc:

- Nó mất đã mấy ngày nay, tôi gọi điện thoại cho cô mãi mà không được. Chỉ còn vài giờ nữa trời sáng là phải động quan đưa nó đi rồi… Nó có trối lại là hãy đặt tấm giấy khen Học sinh Khá cạnh di ảnh của nó cho cô nhìn thấy. Từ khi lên cấp ba tới giờ nó chỉ toàn đạt học lực yếu hoặc trung bình mà thôi. Lần này nhờ cô mà nó nổ lực mới có được. Tuy chỉ là một tờ giấy khen Học sinh Khá, không được là Học sinh Giỏi, nhưng nó tự hào lắm. Trước khi chết nó cứ lấy tờ giấy khen ra săm soi và cười mãi...

Cô Phụng thắp nén hương cho cô học trò nhỏ bạc mệnh rồi gục xuống trước quan tài nghẹn ngào khóc:

- Hạnh ơi! ...

2010
(Truyện ngắn đã đăng trên báo Văn Nghệ tp.HCM số 329, ngày 27.11.2014)

Thanh Trắc Nguyễn Văn 


Photo by Anh Ba Tran

Photo by Anh Ba Tran

Photo by Anh Ba Tran


Chùm ảnh thiếu nữ áo dài xinh, Photo by Anh Ba Tran

Photo by Anh Ba Tran

Photo by Anh Ba Tran

Photo by Anh Ba Tran

Photo by Anh Ba Tran

Photo by Anh Ba Tran

Photo by Anh Ba Tran

Photo by Anh Ba Tran

Photo by Anh Ba Tran

Photo by Anh Ba Tran


-----------------------------------------------------------------------------------
* Truyện ngắn đã đăng trên báo Văn Nghệ tp.HCM số 329, ngày 27.11.2014

Ghi chú:Ảnh cô giáo Phan Hồng Anh (từ ảnh 2 đến 5), Photo by Anh Ba Tran (từ ảnh 7 đến 18) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Không có nhận xét nào :